Trẻ em và các nguy cơ bị xâm hại
Điện Biên TV - Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các tin tức, hình ảnh về bạo hành, xâm hại trẻ em. Điều này cho thấy tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn đang diễn ra hàng ngày, khó kiểm soát. Trẻ em thực sự là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, cần được chúng ta bảo vệ.
Thực tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, tình trạng trẻ em bị xâm hại như: Bị bạo lực, bị bắt buộc nghỉ học sớm để lao động phụ giúp gia đình, bị mua bán, tảo hôn vẫn xảy ra, nhưng chính quyền địa phương chưa thể kiểm soát |
Trong phiên họp về tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, tại kì họp thứ 9 Quốc Hội khóa XIV, diễn ra từ ngày 20/5 đến 19/6/2020 vừa qua, có nhiều số liệu thống kê về xâm hại trẻ em được báo cáo.
Các con số thống kê cho thấy, trong những năm 2015-2019, có trên 8.440 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trên toàn quốc. Trong đó có 8.700 trẻ em bị xâm hại; gần 340 trẻ tử vong, 420 trẻ có thai và hơn 190 trẻ bị rối loạn tâm thần. Nhưng đó mới chỉ là con số thống kê chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Còn nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại chưa được phát hiện và xử lí kịp thời, gây tổn hại đến sức khỏe, thể chất, tinh thần và tính mạng trẻ em.
Ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện Mường Chà, giai đoạn từ 2011 đến 2019 có hơn 20 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lí. Trẻ em bị xâm hại theo nhiều hình thức như: Bạo hành, xâm hại tình dục, bị mua bán và bị xâm hại tính mạng. Số vụ việc được phát hiện, xử lí và thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, tình trạng trẻ em bị xâm hại như: Bị bạo lực, bị bắt buộc nghỉ học sớm để lao động phụ giúp gia đình, bị mua bán, tảo hôn vẫn xảy ra, nhưng chính quyền địa phương chưa thể kiểm soát.
Ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, do còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu, hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nên các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn tiếp diễn, khó có thể quản lí. Để bổ sung thêm hành lang pháp lí bảo vệ quyền trẻ em và xử lí các vụ việc xâm hại trẻ em, Luật Trẻ em sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 05/04/2016.
Luật này chỉ rõ khái niệm về xâm hại trẻ em tại khoản 5, Điều 4: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lí, danh dự, nhân phẩm của trẻ dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.”
Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ 15 hành vi xâm hại tới trẻ em bị nghiêm cấm, trong đó có bạo lực, bóc lột, mua bán, xâm hại tình dục và hành vi hỗ trợ, xúi dục, bắt ép trẻ tảo hôn. Tuy đã có hành lang pháp lí cụ thể giúp chúng ta thực hiện các chính sách bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời có hệ thống pháp luật xử lí các vụ việc về xâm hại trẻ em, song việc phát hiện các sự vụ xảy ra vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, do hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nên các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn tiếp diễn, khó có thể quản lí |
Ông DƯƠNG NGỌC KHÁNH, Quản lý Dự án Chấm dứt bạo lực trẻ em EVAC – Chương trình Phát triển vùng Mường Chà cho biết: Các vụ việc về xâm hại trẻ em, ví dụ như về tảo hôn, càng làm chúng tôi thấy càng nhiều. Chúng tôi thấy là chúng ta cần cải thiện hệ thống số liệu để nắm rõ bức tranh đó và có hành động hiệu quả hơn. Vai trò của trẻ em cực kì quan trọng, bảo vệ trẻ em, các vấn đề phòng chống xâm hại tình dục, tảo hôn, các em nhận thức được, các em tự tuyên truyền cho các em là yếu tố quan trọng nhất bên cạnh việc làm việc với các bậc cha mẹ, với chính quyền.
Theo dõi thông tin về trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng những năm gần đây chúng ta thấy, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn đang diễn ra phức tạp và để lại hậu quả nặng nề. Các vụ việc xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn và các địa phương miền núi xa xôi, hẻo lánh, mà còn xảy ra ở những thành phố lớn.
Không chỉ lợi dụng sự chủ quan của gia đình và sự non nớt của trẻ để uy hiếp tinh thần và xâm hại trẻ, các đối tượng xâm hại trẻ em còn dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc trẻ. Hiện nay khi mạng internet phát triển, mạng xã hội cũng là phương tiện giúp những đối tượng này tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ và xâm hại trẻ.
Các trang mạng xã hội hiện nay rất khó kiểm soát hình ảnh độc hại đối với trẻ em. Chỉ cần mở một trang mạng xã hội bất kì, trẻ em cũng có thể nhìn thấy những hình ảnh không hợp lứa tuổi, những video dạy trẻ chơi trò nguy hiểm.
Trong thời gian vừa qua, khi các trường học phải cho học sinh học online để phòng chống dịch Covid 19, không ít lớp học trực tuyến bị kẻ xấu xâm nhập, đăng tải những lời lẽ thô tục, hình ảnh phản cảm để quấy rối. Không những thế, trẻ em còn dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những việc làm trái pháp luật và gây tổn hại cho chính các em, khi làm quen với người lạ trên các mạng xã hội.
Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra trong gia đình, trong cộng đồng, trên mạng xã hội, mà còn xảy ra trong cả trường học. Vấn đề bạo lực học đường và xâm hại trẻ em là vấn đề được nhắc đến rất thường xuyên trong thời gian gần đây. Môi trường học đường, nơi trẻ em được học tập, giáo dục, nhưng nay cũng là nơi trẻ có thể bị xâm hại bởi bạn bè xấu hoặc bởi người đang dạy dỗ các em. Để bảo vệ trẻ, chúng ta cần tăng cường nhiều biện pháp và cần có sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng, nhà trường và toàn xã hội.
Ở huyện Mường Chà, để nâng cao nhận thức cho các em học sinh về xâm hại trẻ em, hàng năm Huyện đoàn Mường Chà đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo diễn đàn để các em nhỏ nói lên tiếng nói, suy nghĩ của mình. Qua những diễn đàn tuổi thơ, các em học sinh đại diện cho hàng nghìn trẻ em vùng cao, đã mạnh dạn chia sẻ với thầy cô, với lãnh đạo chính quyền, với đại diện các cơ quan chức năng những nguy cơ và mong muốn được bảo vệ của các em.
Huyện đoàn Mường Chà đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo diễn đàn để các em nhỏ nói lên tiếng nói, suy nghĩ của mình |
Anh PHẠM THẾ KIÊN, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Chà cho biết: Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được Huyện đoàn chúng tôi đặc biệt quan tâm. Trong năm học 2019 – 2020, Huyện đoàn và Hội đồng đội huyện phối hợp với Chương trình vùng Mường Chà tổ chức hai dự án: “tình bạn đẹp” và “nói không với bạo lực học đường” tuyên truyền cho hơn 700 em học sinh về tác hại của bạo lực học đường và cách phòng tránh.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng kết nối, tổ chức trao quà tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng điểm trường cho các em bản Háng Lìa, xã Xá Tổng. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giúp các em học sinh và nhà trường có biện pháp giáo dục học sinh biết cách phòng chống các trường hợp nguy cơ bị bạo lực, buôn bán xảy ra với mình.
Các vụ việc xâm hại trẻ em được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cho chúng ta thấy, trong xã hội ngày nay trẻ em đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Để bảo vệ thế hệ tương lai, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, của cộng đồng và của cả hệ thống chính trị.
Năm 2020 này, từ 15/7 học sinh ở các trường trên toàn quốc đều được nghỉ hè. Dù có bận rộn như thế nào thì đây cũng là khoảng thời gian các bậc cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt tới con em mình. Việc lới lỏng quản lí, chăm sóc, bảo vệ trẻ trong dịp hè, rất có thể khiến trẻ gặp phải nhiều nguy cơ chúng ta không thể nào lường trước.
Minh Giang/DIENBIENTV.VN