Thực trạng tảo hôn ở Điện Biên Đông
Điện Biên TV - Không được học hành, phải ở nhà lam lũ với cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ và tương lai của các cặp vợ chồng tảo hôn. Nhưng thực trạng này vẫn đang diễn ra tại huyện vùng cao Điện Biên Đông.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn xã đã có 12 cặp vợ chồng tảo hôn, tất cả các em đều đang là học sinh với độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi |
Dù có một người chưa đến tuổi kết hôn, song Sùng A Sử và Thào Thị Phương vẫn lấy nhau làm vợ làm chồng, khi cưới Sử mới hơn 18 tuổi và Phương tròn 15 tuổi. Và cũng chính từ thời điểm đó, Sử và Phương nghỉ học, đồng thời phải lo toan gánh nặng cuộc sống gia đình. Đặc biệt, việc Sử lấy Phương khi Phương mới 15 tuổi chỉ với một lý do rất đơn giản.
Sùng A Sử, bản Phì Nhừ, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biêt: Không đi học nữa nên bố mẹ bảo lấy vợ giúp bố mẹ đi làm nương, yêu vào rồi mà ko lấy thì sợ người ta cướp mất. Chưa đủ tuổi nhưng bố mẹ bảo lấy thì mình lấy thôi vì bố mẹ già rồi.
Cũng giống như cặp vợ chồng Sử, thì đôi bạn trẻ Sùng A Sinh năm nay mới 17 tuổi và vợ mới 16 tuổi. Do kết hôn sớm nên vợ Sinh đã phải nghỉ học ở nhà, còn chồng thì vẫn đang theo học tại trường cấp 3 ngoài huyện. Việc kết hôn sớm không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập của các em, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ và đời sống kinh tế gia đình. Dù biết vậy, song vợ chồng Sinh vẫn không bỏ được hủ tục của đồng bào dân tộc mông nơi đây.
Việc lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ ảnh hưởng và có những hệ lụy lớn đến tương lai và cuộc sống của các em sau này |
Sùng A Sinh, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông cho biết: Mình còn trẻ, yêu nên sợ người khác lấy thì mình lấy thôi, biết là ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của vợ nên mình giữ gìn, đủ tuối sinh sản mới sinh nên mình sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su.
Theo thống kê của Trạm y tế xã Phì Nhừ, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn xã đã có 12 cặp vợ chồng tảo hôn, tất cả các em đều đang là học sinh với độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi. Việc lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ ảnh hưởng và có những hệ lụy lớn đến tương lai và cuộc sống của các em sau này.
Y sỹ Hạ A Khua, trạm y tế xã Phì Như, huyện Điện Biên Đông cho biết: Bố mẹ không hiểu biết, các con thì chỉ biết yêu nhau và lấy nhau, bố mẹ mà cấm thì bỏ lên rừng tự tử... thế nên bố mẹ rất sợ. Tư vấn và truyền thông rất nhiều rồi nhưng hiệu quả vẫn không cao.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trong 3 năm qua, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã không còn, song tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn còn cao, chiếm trên 32% số các cặp vợ chồng lấy nhau. Đặc biệt, với một lý do hết sức đơn giản của tình trạng tảo hôn là khi các em yêu nhau không lấy được nhau thì sẽ cùng nhau tìm đến cái chết. Trước thực tế đó, nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận hợp lý hóa hôn nhân, chính quyền cũng không thể quyết liệt ngăn chặn mặc dù biết đây là hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình./.
Văn Phú – Chí Công/DIENBIENTV.VN