Người dân mong mỏi được chi trả tiền góp đất trồng cây cao su
Điên Biên TV - Sau 12 năm đưa vào trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đến nay, việc chi trả tiền cho người dân góp đất trồng cao su vẫn chưa được thực hiện. Mong mỏi lớn nhất của người dân lúc này là được phân chia lợi tức khi mà cây cao su đã cho khai thác mủ để họ có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 hộ dân góp đất trồng cao su, tập trung tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé tổng diện tích hơn 5.000ha |
Năm 2008, khi tỉnh Điện Biên có chủ trương đưa cây cao su trồng và phát triển trên địa bàn, gia đình anh Vừ A Cú ở bản Xá Nhù, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản đã góp 4.000m2 đất để trồng cây cao su. Sau 10 năm, cây cao su bắt đầu cho khai thác mủ, gia đình anh đã được Công ty thanh toán số tiền bằng 10% sản phẩm thu được, tương đương số tiền 300 nghìn đồng/ 4000m2/ năm. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, gia đình anh cũng như nhiều hộ gia đình khác vẫn chưa được chi trả số tiền góp đất trồng cao su.
Anh Vừ A Cú, bản Xá Nhù, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết: Gia đình tôi tham gia góp đất trồng cao su từ năm 2008 đến bây giờ cho khai thác đã được chia lợi nhuận 10% trong 2 năm 2017-2018. Nhưng sang năm 2019 vẫn chưa được chi trả , kính mong các cấp chính quyền, công ty, kết hợp với bên tỉnh, tập đoàn, xem xét tạo nguồn và xem xét giá cao su để nâng cao đời sống cho người dân chúng tôi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 hộ dân góp đất trồng cao su, tập trung tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé tổng diện tích hơn 5.000ha, trong đó trên 54% diện tích cây cao su đã cho khai thác mủ. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai thanh toán, phân chia tiền cho người dân góp đất trồng cao su vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nguyên nhân là do chưa thống nhất được giá cao su bình quân nên chưa có căn cứ để xác định chi trả tiền cho người dân. Mặt khác, quá trình triển khai thanh toán cho người dân góp đất trồng cao su cho thấy một số nội dung, phương án phân chia sản phẩm đã thống nhất giữa UBND tỉnh và tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến việc chậm chi trả tiền cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Nông trường cao su huyện Điện Biên cho biết: Chúng tôi đại diện cho người dân, CNCCLĐ đề nghị Tập đoàn cao su Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên sớm thẩm định giá mủ cao su, đặc biệt kiến nghị với Chính Phủ hỗ trợ về giá cao su làm sao để đảm bảo thu nhập cho người dân tham gia góp đất trồng cao su hưởng 10%. Qua 2 năm chi trả, do đặc thù giá mủ cao su giảm sâu dẫn đến người dân được nhận tiền rồi nhưng số tiền quá ít. Đề nghị nhà nước, Chính phủ đặc biệt là Tập đoàn cao su Việt Nam có hướng gì để trợ giá cho người dân góp đất trồng cao su.
Người dân mong mỏi được chi trả tiền góp đất trồng cây cao su |
Ðể đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su, năm 2018 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã thanh toán tạm ứng 1 lần với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện chi trả cho người dân hơn 1,4 tỷ đồng. Đối với việc chi trả tiền cho người dân góp đất trồng cao su năm 2019, hiện tại Công ty Cổ phần cao su Điện Biên mới thống nhất được đơn giá mủ và đang xây dựng các phương án để chi trả cho người dân khi có Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết: Năm 2019, chúng tôi đã gửi hồ sơ và đã thống nhất được đơn giá mủ năm 2019 để xây dựng phương án chi trả cho người dân, cuộc họp vừa rồi đã thống nhất được biên bản, hiện đang chờ phương án phê duyệt của UBND tỉnh để xây dựng phương án chi trả tiền góp đất cho người dân theo hợp đồng đã ký kết.
Được biết, hiện tại việc thống nhất giá mủ cao su quy khô năm 2018-2019 làm cơ sở chi trả cho các hộ dân có đất góp trồng cây cao su của Công ty Cổ phần cao su Điện Biên và Công ty cổ phần cao su Mường Nhé được Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, giá mủ cao su quy khô dạng nước tại vườn quy đông đặc theo tiêu chuẩn TSC năm 2018 của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên được thống nhất có giá gần 22 triệu đồng/ tấn. Giá mủ cao su quy khô dạng nước tại vườn quy đông đặc theo tiêu chuẩn TSC năm 2019 có giá trên 24.140.000/tấn. Đối với giá mủ cao su quy khô dạng nước tại vườn quy đông đặc theo tiêu chuẩn TSC năm 2019 của Công ty Cổ phần cao su Mường Nhé có giá 24.350.000/tấn. Với việc đã thống nhất được giá mủ cao su như hiện nay, mong rằng người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh sớm nhận được tiền phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống./.
Minh Thư - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN