Lĩnh BHXH một lần: Thiệt nhiều hơn lợi, hãy cân nhắc!

Thứ Ba, 14/04/2020, 07:23 [GMT+7]

Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế gặp khó khăn, thay vì chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu, nhiều người lao động hiện nay lại đăng ký nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ 06 trường hợp người tham gia BHXH được nhận BHXH 1 lần, cụ thể:

Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn);

Ra nước ngoài để định cư;

Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;

Người tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng (Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Bảo hiểm xã hội 1 lần được tính như thế nào? Theo Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, bảo hiểm xã hội 1 lần được chi trả dựa trên thời gian người lao động tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương (Mbqtl) tháng đóng BHXH.

Cứ mỗi năm, người lao động được:

- 1,5 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, tối đa 02 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm.

1
Lĩnh BHXH một lần người lao động sẽ rất thiệt thòi.

Mức hưởng BHXH 1 lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp người lao động mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể:

Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)

Trong đó:
- Về thời gian tham gia BHXH:
Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 - 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 - 11 tháng được tính là một năm.

Trường hợp tính đến trước ngày 01/01/2014, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 01/01/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

TS Bùi Sỹ Lợi phân tích, quy định của Luật BHXH nêu rõ, người lao động đóng 22% mức lương, tương ứng với khoảng 2,64 tháng lương. Nhưng khi nhận chế độ một lần chính sách chỉ chi trả 2 tháng lương/năm cho người lĩnh. Như vậy Nhà nước không thiệt mà người lao động thiệt. Nhưng họ không biết và vẫn đăng ký nhận BHXH một lần.

Trong khi đó, bóc tách khoảng 22% kể trên, người lao động chỉ phải góp vào 8% mức lương của vào quỹ hưu trí và tử tuất, phần 14% còn lại là sự đóng góp của doanh nghiệp. TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mức 14% trên của doanh nghiệp đã được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và đã được trừ trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.

Theo các chuyên gia ngành BHXH, trong lúc khó khăn này ai cũng cần tiền nhưng không thể “ăn trước” tiền tích luỹ cho tuổi già của mình được. Có nhiều cách để vượt qua khó khăn trước mắt chứ không thể chăm chăm nhìn vào số tiền đóng BHXH được./.

Link: https://vov.vn/xa-hoi/linh-bhxh-mot-lan-thiet-nhieu-hon-loi-hay-can-nhac-1036711.vov

 

Theo V.H/VOV

.