Giá giường dịch vụ tới 4 triệu đồng/ngày, đắt hơn cả khách sạn hạng sang
Dự thảo quy định tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong BV công lập của Bộ Y tế, giá giường dịch vụ có thể lên đến 4 triệu/ngày.
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khung giá giường dịch vụ theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM là từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/ngày. Còn với bệnh viện hạng đặc biệt, giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày đối với loại phòng 1 giường.
Theo lương y Nguyễn Đình Cự ở Đông Hưng, Thái Bình thì mức giá này còn cao hơn cả khách sạn hạng sang: “Theo tôi với mức thu nhập của người dân hiện nay thì rất ít người có điều kiện để chi trả được mức giá 4.000.000 đồng/1 ngày/giường. Mức giá này còn cao hơn tất cả những khách sạn cao cấp ở nước ta”.
Nội dung về khung giá viện phí của Bộ Y tế đang gây nhiều tranh cãi. (ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Cũng theo dự thảo của Bộ Y tế, tiền công khám dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 không quá 500.000 đồng/1 lần và tại bệnh viện hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần. Đây cũng là mức giá mà nhiều bệnh viện đã tự áp dụng từ lâu. Điều đáng nói là mức giá này cao hơn nhiều so với dự thảo đầu tiên. Cụ thể, năm 2016, Bộ Y tế dự kiến mức giá khám dịch vụ tối đa chỉ 200.000 đồng/lần. Do vậy, có ý kiến cho rằng dự thảo lần này của Bộ Y tế không khác nào “gọt chân cho vừa giày”.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho rằng: “Giá giường bệnh tối đa 2 triệu đồng đã là cao, nay lại dự kiến 4 triệu đồng/ngày thì cao quá. Không thể so với bệnh viện ở những nước phát triển được vì giá giường bệnh của họ bao gồm cả chi phí nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân, người nhà không cần chăm sóc. Theo tôi, quy trình chất lượng, Bộ Y tế đưa ra là đúng nhưng về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế cần để một Hội đồng độc lập đưa ra vì nếu Bộ Y tế quy định thì sẽ không minh bạch, không khách quan và có thể dẫn đến tăng bẫy nghèo do thảm họa y tế gây ra và giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.”
Sau nhiều năm xây dựng, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được quy định về tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công lập. Trong khi đó, thực tế thời gian qua cho thấy, dịch vụ theo yêu cầu, mỗi nơi một giá, thậm chí tại 1 số bệnh viện như Da liễu Trung ương, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu còn có 2 mức: trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính. Với 2 mức này, có dịch vụ, giá chênh lệch nhau hàng triệu đồng.
Trong bối cảnh một bệnh viện “2 chế độ”, khu vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn chật hẹp, chưa hết cảnh bệnh nhân phải nằm ghép, thì khu vực dịch vụ theo yêu cầu lại có xu hướng được mở rộng. Từng bức xúc về tình trạng công tư lẫn lộn tại bệnh viện công, nay dư luận không khỏi băn khoăn về dự thảo mức giá dịch vụ theo yêu cầu, nhất là khi bệnh viện đã tự chủ tài chính, trong đó 1 số bệnh viện lớn được tự chủ toàn diện như hiện nay./.
Theo Văn Hải/VOV