Phần Lan và Thụy Điển sẽ áp dụng chiến lược phòng thủ và răn đe
Gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương cũng tức là Phần Lan và Thụy Điển sẽ áp dụng chiến lược phòng thủ và răn đe mà NATO vừa công bố.
Đại sứ của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO vừa đặt bút ký nghị định thư kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, thì Thủ tướng Canada đã lập tức thông báo Canada nhất trí thông qua. Quốc hội Canada đã biểu quyết phê chuẩn kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, từ trước cả khi nghị định thư được ký kết. Còn phải chờ Quốc hội của 29 nước còn lại thông qua, quá trình này thường mất 1 năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì có thể sẽ nhanh hơn nhiều.
Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO - cho hay: "Hôm nay là một ngày tốt lành cho Phần Lan và Thụy Điển, một ngày tốt lành cho NATO. Với 32 quốc gia thành viên, chúng ta sẽ mạnh hơn nữa và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn nữa khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ nhiều thập kỷ nay".
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức từ bỏ nguyên tắc trung lập, quyết định gia nhập một liên minh quân sự. Cả hai nước này đều có quân đội tinh nhuệ và công nghiệp quốc phòng vững mạnh. Có thêm hai nước Bắc Âu, NATO sẽ kiểm soát hầu như toàn bộ biển Baltic, bao bọc hầu hết sườn Tây Bắc của lãnh thổ nước Nga.
Bà Ann Linde - Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển - cho biết: "Là một thành viên tương lai của liên minh, Thụy Điển sẽ đóng góp vào an ninh của tất cả các đồng minh. Chúng tôi tin tưởng rằng tư cách thành viên của chúng tôi sẽ củng cố NATO và thêm vào sự ổn định trong khu vực".
Ông Pekka Haavisto - Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan - nói: "Sự an toàn của đất nước chúng tôi cần cách tiếp cận từ Bắc Cực đến phía Nam. Các diễn biến an ninh toàn cầu ngày càng ảnh hưởng đến an ninh của chúng tôi và buộc chúng tôi phải tăng cường phòng vệ".
Gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương cũng tức là Phần Lan và Thụy Điển sẽ áp dụng chiến lược phòng thủ và răn đe mà NATO vừa công bố. Trong quá trình chờ đợi Quốc hội của tất cả 30 quốc gia phê chuẩn, Phần Lan và Thụy Điển có thể tham gia các cuộc họp chung và được chia sẻ các thông tin tình báo của liên minh. NATO khẳng định, với tiềm lực quân sự sẵn có của Phần Lan và Thụy Điển, NATO không cần triển khai quân hoặc đặt căn cứ quân sự tại hai nước này.
Về cốt lõi, NATO hoạt động như một liên minh an ninh tập thể. Điều 5 của Hiến chương NATO nêu rõ, nếu bất kỳ thành viên nào của liên minh bị tấn công, nó sẽ được coi là cuộc tấn công vào cả khối.
Phần Lan và Thụy Điển vượt trội về pháo binh, trinh sát và phòng thủ trên mạng
Phần Lan và Thụy Điển có tiềm lực quân sự cao hơn hẳn so với nhiều nước đang là thành viên NATO. Không chỉ rất mạnh về hải quân và không quân, mà còn vượt trội về pháo binh, trinh sát và phòng thủ trên mạng. Nếu như Thụy Điển có công nghiệp quốc phòng vững mạnh, sản xuất máy bay chiến đấu Grippen, thì Phần Lan duy trì nghĩa vụ quân sự và do vậy có lực lượng lớn quân dự bị cùng kinh nghiệm phòng thủ.
Từ gần 30 năm nay, hai nước này tuy không phải thành viên NATO nhưng vẫn tham gia tập trận chung với NATO trên biển Baltic. Hai quân đội được xây dựng trên nền tảng tương thích với các chuẩn mực của NATO, và do vậy sẽ không có vấn đề gì lớn khi gia nhập liên minh.
Phó Tổng Thư ký NATO đã tuyên bố rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không cần phải đặt căn cứ quân sự hay triển khai quân tại Phần Lan và Thụy Điển, mà chỉ riêng việc hai nước này gia nhập cũng đã làm cho NATO mạnh lên nhiều. Trên thực tế, khi hai nước này gia nhập liên minh, thì xung quanh biển Baltic sẽ là 5 nước NATO, nước Nga chỉ còn có 250km bờ biển, mà lại có thêm 1.300km đường biên nữa với NATO.
Tuyên bố này làm cho chúng ta nhớ lại phát biểu của Tổng thống Nga, rằng "Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập NATO thì cứ việc, nhưng nếu NATO triển khai quân đội hay khí tài quân sự tại hai nước đó, thì nước Nga sẽ buộc phải đáp trả một cách cân xứng".
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) cuối tháng trước, lãnh đạo NATO đã thông qua "Khái niệm chiến lược mới", trong đó nhấn mạnh sự mở rộng NATO sẽ góp phần củng cố liên minh và đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Sau Phần Lan và Thụy Điển, Gruzia cũng tuyên bố mong muốn nhập NATO.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/phan-lan-va-thuy-dien-se-ap-dung-chien-luoc-phong-thu-va-ran-de-20220706235356551.htm
Theo VTV