EU chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào nguồn dầu khí Nga?

Thứ Năm, 05/05/2022, 14:59 [GMT+7]

Sau những suy tính và cả mâu thuẫn nội bộ, có vẻ như Liên minh châu Âu (EU) đã tìm ra cách để "cai" nguồn dầu khí nhập khẩu từ Nga.

Mặc dù đề xuất của Ủy ban châu Âu nêu rõ rằng việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga sẽ được thực hiện qua một số giai đoạn trải dài 6 tháng, nhưng nó vẫn là một bước chuyển đối với Liên minh châu Âu (EU) - vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Rồi đây EU sẽ phải tìm những nguồn cung thay thế như thế nào, nếu kế hoạch được thông qua?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Von der Leyen thì cam kết sẽ giảm tối đa tác động của lệnh cấm này đối với các nền kinh tế trong EU, nhưng sau khi đề xuất được công bố thì giá dầu thô vẫn tăng 2%. Hiện Hungary và Slovakia đã tuyên bố sẽ không tham gia vào bất cứ lệnh cấm vận dầu mỏ Nga nào. Phía chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng không nói hai nước này có được miễn trừ việc tham gia hay không, mặc dù có vẻ như điều này sẽ xảy ra.

"Cai" dầu khí Nga - một quyết định khó khăn

Một quyết định khó khăn cuối cùng cũng đã được cơ quan điều hành EU đưa ra. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của EU thì đề xuất của Ủy ban châu Âu phải được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua, điều này dĩ nhiên là không dễ dàng. Một số nước thành viên không phân biệt quy mô nền kinh tế nhỏ hay lớn, phụ thuộc hàng thập kỷ nay vào nguồn năng lượng từ Nga. EU chính là khách hàng số 1 của dầu mỏ Nga. Kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đến nay, EU đã chi hơn 20 tỷ euro mua dầu mỏ Nga, nên liệu lần này EU có cai được cơn nghiện dầu mỏ Nga?

Mục đích của EU thì đã quá rõ. EU muốn Nga giảm thu nhập, mà dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Nga, trụ cột của nền kinh tế Nga. Nhưng việc tự cắt mình rời xa khỏi dầu mỏ Nga có thể khiến khối EU bị chia rẽ. Một bên là những nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp ít dùng dầu mỏ Nga hơn, và một bên là những nước như Hungary, Slovakia nhập khẩu đến hơn 75% dầu từ Nga.

1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Chúng ta biết rằng thách thức chính là nhiều nước châu Âu, bao gồm Đức, phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu từ Nga".

Ông Christian Sewing - Tổng giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank: "Cắt nguồn cung năng lượng Nga sẽ làm giảm 5% sản lượng của nền kinh tế Đức. Hiện giờ chúng ta thấy rủi ro này là thực sự có thật, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc này".

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary thậm chí tuyên bố 'thực sự không thể vận hành đất nước Hungary và nền kinh tế Hungary mà không có dầu thô từ Nga'. Bởi thực tế 85% lượng khí đốt và 65% nguồn dầu mỏ của Hungary là nhập khẩu từ Nga. Do điều kiện cơ sở hạ tầng, Hungary không có các lựa chọn thay thế để đảm bảo các nguồn năng lượng hoặc các tuyến đường cho phép nước này ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong những năm tới. Do vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary tuyên bố nước này không ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ Nga.

Ông Peter Szijjarto - Bộ trưởng Ngoại giao Hungar nói: "Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt này nếu việc vận chuyển dầu thô qua đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt. Trong trường hợp đó, an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary sẽ được duy trì. Nếu không, gói trừng phạt sẽ phá hủy an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary. Như thế, gói trừng phạt ở dạng này không thể được ủng hộ một cách có trách nhiệm".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia cho biết nước này cần 3 năm chuẩn bị trước khi áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga để có thời gian đảm bảo nguồn cung dầu mỏ thay thế.

1

Thách thức và hậu quả đối với EU

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là kết quả của một quyết định rất khó khăn với EU. Một số nước thành viên có thể vẫn còn chưa ủng hộ quyết định này, trong khi đề xuất này phải nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước thành viên mới có hiệu lực.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga của EU trong vòng từ 6-8 tháng, riêng Hungary và Slovakia được thực hiện chậm hơn vài tháng, đang gặp nhiều thách thức bởi Hungary, Slovakia phụ thuộc gần như 100% vào nguồn dầu thô của Nga, các nước này phải cần vài năm mới có thể thực hiện lệnh cấm này. Người phát ngôn Chính phủ Hungary cho biết, nước này phản đối lệnh cấm hoàn toàn của EU với dầu và khí đốt của Nga. Còn Slovakia cho rằng các nhà máy lọc dầu của nước này được thiết kế để xử lý dầu của Nga, vì vậy sẽ phải điều chỉnh hoặc thay thế gần như hoàn toàn khi nhập khẩu dầu từ nơi khác. Đây là quá trình tốn kém và lâu dài.

Ngoài ra, cũng có tin cho rằng Bulgaria và Cộng hòa Czech có thể tìm cách không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Nếu đề xuất của Ủy ban châu Âu về lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga được thông qua kèm theo quy chế miễn trừ cho 1 hoặc 2 nước có thể khiến lệnh cấm vận chẳng tạo được sức ép về kinh tế với Nga. Các nước EU vẫn mua dầu của Nga, điều mà giới chức châu Âu cho đây là hành động gián tiếp tài trợ cho nền kinh tế Nga.

Ngoài ra, lệnh cấm vận với quy chế miễn trừ cho một số quốc gia còn gây chia rẽ trong nội bộ các nước châu Âu, làm xáo trộn thị trường năng lượng của EU. Trong khi các nước được miễn trừ có nguồn cung năng lượng với mức giá hợp lý, giá năng lượng tại những quốc gia áp dụng lệnh cấm tiếp tục tăng, đẩy chi phí sinh hoạt leo thang. Điều này là nguy cơ xuất hiện những cuộc biểu tình của người dân trên khắp châu Âu.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/eu-cham-dut-hoan-toan-su-le-thuoc-vao-nguon-dau-khi-nga-2022050511051293.htm

 

 

Theo VTV

 

.