Zero COVID-19 khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó
Việc cố gắng theo đuổi chính sách Zero COVID-19 đang gây nhiều trở ngại cho nền kinh tế và các doanh nghiệp tại Trung Quốc, cũng như tiềm ẩn rủi ro cho chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong vòng 2 năm qua. Mỗi ngày, Trung Quốc có tới hàng nghìn ca mắc mới, đỉnh điểm là hơn 5.000 ca một ngày. Để theo đuổi chính sách Zero COVID-19, chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.
Biến chủng Omicron có thể sẽ khiến nỗ lực giữ vững mục tiêu Zero COVID-19 của Trung Quốc bị đổ bể. 28/31 tỉnh, thành trên cả nước đã ghi nhận ca nhiễm. Cuối tuần qua, thành phố Thâm Quyến cũng bị phong tỏa dù chỉ ghi nhận 66 ca.
Foxconn - một trong những nhà cung cấp linh kiện lớn nhất của Apple đã phải tạm ngưng hoạt động của họ tại Thâm Quyến khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa trung tâm công nghệ này và hàng loạt những khu vực khác để chống dịch COVID-19.
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng dịch COVID-19 tồi tệ nhất trong vòng 2 năm qua. (Ảnh: Reuters) |
"Dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại nhiều nơi và điều này có một số những tác động nhất định đến sự phục hồi của nền kinh tế địa phương", ông Fu Ling Hui, Phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang quyết liệt theo đuổi chính sách Zero COVID-19 trong bối cảnh các quốc gia khác bắt đầu mở cửa và nỗ lực sống chung với dịch.
Việc phong tỏa một số thành phố lớn của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không chỉ tới sự phục hồi sau đại dịch của chính nước này, mà còn gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Nếu cứ có vài chục ca nhiễm mà phải đóng cửa nhà máy, cảng biển, thì tác động mà nó gây ra với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể còn nặng nề hơn sự cố kênh đào Suez. Cuộc đua ngăn chặn dịch bệnh không phải là đường chạy 100m, mà là một cuộc marathon dài hơi. Chính sách thành công của năm 2021 có thể sẽ là gánh nặng kinh tế của năm nay. Đặc biệt hiện nay, với nhiều biến chủng mới như Omicron hay Delta, cái giá mà nền kinh tế phải trả cũng cao hơn", ông Fabian Kretschmer, Bình luận viên Đài DW, Đức, nhận định.
Thâm Quyến cũng là thủ phủ công nghệ, nơi sản xuất những con chip và linh kiện dùng trong nhiều ngành công nghiệp. Nếu thành phố này bị phong tỏa lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất máy tính, trò chơi điện tử, ô tô, điện thoại...
Bên cạnh đó, Thâm Quyến cũng là một trong những thành phố cảng lớn nhất thế giới. Mùa hè năm 2021, khu vực cầu cảng quốc tế Diêm Điền tại đây đã buộc đóng cửa trong gần 1 tuần, sau khi phát hiện các ca mắc khiến hàng hóa tồn đọng phải mất nhiều tháng để giải phóng và khiến giá cước vận tải trên toàn cầu tăng chóng mặt.
Ngoài Thâm Quyến, Thượng Hải, trung tâm kinh doanh lớn nhất Trung Quốc cũng đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để phong tỏa.
Link:https://vtv.vn/kinh-te/zero-covid-19-khien-kinh-te-trung-quoc-gap-kho-20220316231702108.htm
Theo VTV