Chưa quốc gia nào nằm ngoài "vùng phủ sóng" của COVID-19
Nhiều nước khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận tình hình dịch COVID-19 phức tạp, với nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan nhanh và mạnh của biến thể Delta.
So với các đợt bùng phát dịch trước đây trong khu vực, đợt dịch này đã thực sự gây ra áp lực rất lớn lên hệ thống y tế của các nước, thậm chí đe dọa làm sụp đổ các cơ sở y tế yếu kém ở các địa phương nghèo lại chưa có sự chuẩn bị để chống đỡ cơn sóng COVID-19 quét qua.
Từ cuối tháng 4 đến nay, mức độ gia tăng số ca tử vong do COVID-19 ở các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng vọt, nó cũng trùng thời điểm của đợt bùng phát dịch mới trong khu vực, được xác định chủ yếu là do biến thể Delta lây lan mạnh.
Các chuyên gia y tế luôn lo ngại về tình huống "bùng nổ" số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nơi đang bị làn sóng dịch mới càn quét nặng nề nhất ở Đông Nam Á. Trong 2 tuần qua, số ca nhiễm mới trong ngày liên tục chạm đến những mức cao kỷ lục mới. Ngày 5/7, nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong ở mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 29.700 ca nhiễm mới, 558 ca tử vong.
Những cảnh tượng chết chóc ở đợt dịch tháng tư khủng khiếp ở Ấn Độ đang bắt đầu xuất hiện ở Indonesia. Các bệnh viện quá tải. Cuối tuần qua, hơn 60 bệnh nhân đã tử vong ở 1 bệnh viện vì không đủ oxy.
Biểu đồ tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Đông Nam Á |
Bác sỹ Cheras Sjarfi cho biết: "Chúng tôi cố gắng nhận nhiều bệnh nhân nhất có thể. Nếu phải chuyển họ lên bệnh viện tuyến trên, chúng tôi sẽ tìm cách giúp, nhưng với tình hình đại dịch chạm mức đỉnh thế này, việc chuyển viện gần như là không thể. Tôi không chê trách gì các bệnh viện, vì thực tế họ cũng đang quá tải rồi".
Philippines là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 6 nghìn bệnh nhân.
Tại Thái Lan, 70% số ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok là do biến thể Delta với đặc điểm là dễ lây lan và khó truy vết. Thái Lan hôm qua có thêm 6.166 ca nhiễm mới và 50 ca tử vong. Thái Lan đã bố trí thêm giường bệnh để dự phòng nguy cơ số ca nhiễm mới lên tới 10.000 ca 1 ngày.
Do có nhiều lao động trở về nước từ Thái Lan bị nhiễm biến thể Delta, Chính phủ Lào đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 5.
Từ năm ngoái đến tháng 2 năm nay, Campuchia là một trong những nước có số ca nhiễm COVID-19 thấp nhất thế giới và không có ca tử vong nào. Nhưng nay tình hình dịch cũng diễn biến khó lường, với các ổ dịch ở các khu chợ của thủ đô Phnom Penh có nguy cơ bùng phát cao. Với các tỉnh khác, số ca mắc COVID-19 được dự đoán sẽ còn tăng mạnh từ các ca nhập cảnh nhiễm biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 ở Campuchia vẫn ở mức cao - 28 trường hợp.
Biện pháp căn bản hiện nay vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine |
Càng có nhiều người dân tiêm vaccine càng tốt
Phần lớn các nước Đông Nam Á tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp nên đợt dịch lần này bùng phát mạnh hơn và tiếp tục cần nhiều nỗ lực hơn để dập dịch. Biện pháp căn bản hiện nay vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để càng có nhiều người dân tiêm vaccine càng tốt.
Việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm cũng như giảm mức độ bệnh nặng và tử vong. Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến với COVID-19 sẽ lâu dài, song với tỷ lệ dân số tiêm vaccine cao cùng với các thành tựu trong truy vết, xét nghiệm và điều trị, COVID-19 sẽ không còn là bệnh gây tử vong cao và sẽ dần trở thành một bệnh dịch thông thường mà người dân có thể tự xét nghiệm, tự điều trị, hay nói cách khác là chúng ta sống chung với COVID-19.
Các nước đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với COVID-19
Trong đợt dịch lần này, về cơ bản các nước đã có nhiều kinh nghiệm rút ra sau 1 năm rưỡi ứng phó với dịch COVID-19, đã hiểu rõ hơn bản chất của dịch COVID-19, về cơ chế lây lan và cách phòng chống. Các nước cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt thiết bị, vật tư y tế và các phương án ứng phó. Các thành tựu trong truy vết, xét nghiệm và điều trị ngày càng hiệu quả hơn. Vấn đề cốt lõi vẫn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để đạt độ miễn dịch cao trong cộng đồng.
Chiến dịch tiêm chủng quy mô chưa từng có đang được cả khu vực ráo riết triển khai. |
Tỷ lệ tiêm vaccine cao trong dân sẽ là nền tảng cơ bản để các nước có thể từ đó xây dựng các kế hoạch kịch bản ứng phó COVID-19 theo hướng dần sống chung với COVID-19 trong khi vẫn đảm bảo mở cửa và phát triển kinh tế.
Hiện nay, chưa có quốc gia nào ngoài vùng phủ sóng của COVID-19, nhất là khi biến thể Delta nguy hiểm tiếp tục phát triển. Kinh nghiệm tốt nhất được rút ra vẫn là cần phải chuẩn bị tốt cho mọi tình huống mới. Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã nhấn mạnh, các nước có 2 lựa chọn để đẩy lùi dịch bệnh, đó là các biện pháp y tế công cộng và chia sẻ các công cụ như vật tư y tế và vaccine. Một chiến dịch tiêm chủng quy mô chưa từng có đang được cả khu vực ráo riết triển khai.
Nếu bỏ qua yếu tố là chúng ta chưa thể tự chủ về nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, thì điều quan trọng mà chúng ta có thể làm chủ là chuẩn bị thật kỹ hậu cần cho quy trình tiêm chủng diện rộng sắp tới. Và tất nhiên, tâm lý chủ động phòng dịch, đeo khẩu trang, sát khuẩn và đảm bảo các yêu cầu giãn cách của mỗi cá nhân vẫn luôn quan trọng.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/chua-quoc-gia-nao-ngoai-vung-phu-song-cua-covid-19-20210706003149071.htm
Theo VTV