Nỗi lo bùng phát chiến tranh tiền tệ từ xung đột thương mại Mỹ-Trung
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt hơn và có nguy cơ làm bùng nổ chiến tranh tiền tệ.
Ngày 5/8, Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, đồng thời tuyên bố các công ty của nước này đã dừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện bước đi lịch sử, là liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Florida, Mỹ, hồi năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Giới phân tích cho rằng, xung đột thương mại đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng mới, rất khó đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái. Bằng cách khăng khăng giữ vững quan điểm của mình, cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng nguy cơ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu vốn bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt.
“Chúng ta phải chứng kiến một tình huống thương mại đang trở nên hỗn loạn. Chính sách sử dụng thuế quan làm công cụ để giải quyết những bất đồng với Trung Quốc đã thất bại thảm hại”, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư thuộc Bleakley Advisory Group cho biết.
Dự cảm về cuộc chiến thương mại chuyển sang giai đoạn mới, nguy hiểm hơn đã thành hiện thực khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tin tức này làm xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu và dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc có thể thực thi các bước đi mạnh mẽ hơn nữa để giảm giá đồng nhân dân tệ.
Nhà đầu tư nơm nớp lo sợ
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 767 điểm, tương đương 2,9% vào hôm qua (5/8), chỉ số Nasdaq giảm 3,5% - phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Chỉ số CBOE Volatility Index hay VIX, đo lường mức độ biến động của các chỉ số chứng khoán, tăng 40%, đạt mức cao nhất trong 7 tháng qua.
Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã đổ dồn mua trái phiếu chính phủ, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,75%, thấp nhất trong gần 3 năm qua.
Ông Art Hogan, nhà chiến lược thị trường hàng đầu tại B. Riley FBR nhận xét: “Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ tác động xấu đối với nền kinh tế Mỹ và mức độ xấu như thế nào thì rất khó đoán định”.
Theo ông Art Hogan, cuộc chiến thương mại càng trở nên nghiêm trọng thì Mỹ lại càng nhanh chóng rơi vào suy thoái: “Xét về mặt lịch sử, suy thoái xảy ra do phản ứng với sai lầm trong chính sách tiền tệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể phải đối phó với những tính toán sai lầm trong chính sách thương mại”.
Nhiều nhà đầu tư và các nhà điều hành doanh nghiệp từng đồng tình với mong muốn chính quyền của Tổng thống Trump buộc Trung Quốc phải thực hiện các hành vi thương mại công bằng. Bởi hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh, bao gồm cả việc bắt buộc chuyển giao công nghệ, từ lâu đã gây tổn thương cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc ông Trump sử dụng thuế quan làm công cụ để có được sự nhượng bộ từ Bắc Kinh.
Vòng áp thuế mới sẽ ảnh hưởng người tiêu dùng
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến phố Wall chao đảo khi quyết định áp thuế 10% nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9 sẽ nhằm vào các mặt hàng từ đồ may mặc, giày dép đến thiết bị điện tử như điện thoại thông minh của Trung Quốc.
Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo, mức thuế mới này sẽ “gây ra vết thương lớn hơn cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ”. Cổ phiếu của các công ty bán lẻ và các tập đoàn công nghệ tại Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề sau tuyên bố của ông Trump. Cổ phiếu của Best Buy – một trong những công ty tiên phong trong việc bán hàng qua truyền hình đã giảm 15% kể từ phiên đóng cửa hôm 31/7.
Nông dân Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, các công ty nước này đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã buộc chính phủ Mỹ phải rót hàng tỷ USD cứu trợ người nông dân. Theo ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis, các khoản nợ nông nghiệp không trả đúng kỳ hạn đã tăng gấp 3 lần kể từ giữa năm 2015, lên mức cao nhất trong 8 năm qua. CNN Business dẫn lời Chủ tịch Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), bà Jelena McWilliams cho biết, cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với các ngân hàng tại những bang nông nghiệp.
Nỗi sợ chiến tranh tiền tệ
Đáp trả lời đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump, Trung Quốc ngày 5/8 đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm sâu, với tỷ giá tham chiếu là 7 CNY/1 USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi “chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các hàng rào thuế quan mới áp đặt lên Trung Quốc” là nguyên nhân khiến đồng nội tệ nước này sụt giảm. Chỉ vài giờ sau đó trong thông báo trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã gọi động thái của Trung Quốc là “sự thao túng tiền tệ” và cho rằng “sự vi phạm nghiêm trọng này sẽ làm suy yếu Trung Quốc theo thời gian”.
Việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ cho thấy nước này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại dài hơi và các quan chức tại Bắc Kinh dường như không còn muốn né tránh “cơn giận” của Tổng thống Trump. “Trung Quốc đang có cái nhìn đen tối và tiêu cực hơn về các mục tiêu của Tổng thống Trump đối với họ. Họ ngày càng trở nên bị quan về khả năng lèo lái ông Trump tránh làm leo thang căng thẳng”, Michael Hirson, lãnh đạo ban nghiên cứu Trung Quốc và Đông Bắc Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá.
Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình. “Rủi ro tiền tệ là rủi ro dễ biến động nhất, khó nhìn thấy nhất và phản ứng nhanh nhất. Đó là cú nốc ao có thể hạ gục một võ sỹ trên đấu trường”, ông David Kotok, đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Cumberland Advisors, trụ sở ở Florida, Mỹ nhận xét. Lo ngại biến động trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đã chuyển sang vàng. Lần đầu tiên giá vàng vượt ngưỡng 1.460 USD/ounce kể từ tháng 5/2013.
Tuy nhiên, ông Michael Hirson nói rằng, Trung Quốc không “vũ khí hóa tiền tệ”. Theo ông, các quan chức tại Bắc Kinh đang cố gắng giành lại thế chủ động để đưa ra quyết định trước Mỹ. Hơn nữa, có những động cơ mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc giảm sâu hơn đồng nhân dân tệ, bởi việc hạ giá mạnh đồng tiền sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gây bất ổn thị trường tài chính và ngăn làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ. Ảnh: CNBC. |
Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại xảy ra vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang có những vết rạn nứt. Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại. Hoạt động của các nhà máy tại Mỹ trong tháng 7 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu không có đủ khả năng để bù đắp cho những bất ổn về kinh tế.
Đánh giá về cuộc chiến này, ông Hirson cho rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn trả đũa thương mại.“Tổng thống Trump càng gia tăng sức ép với Trung Quốc thì nhà lãnh đạo Trung Quốc lại càng khó lùi bước bởi bối cảnh này giống như họ đang đàm phán tại họng súng. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại sẽ tồi tệ hơn trước khi nó được cải thiện”./.
Theo Hồng Anh/VOV