Bộ Tư pháp nói về vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà
Về vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà, hiện nay chưa có bản án nên cơ quan thi hành án chưa có căn cứ để thu hồi tài sản.
Chiều 30/7, tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý II của Bộ Tư pháp, báo chí nêu vấn đề cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà tử vong trong quá trình tạm giam thì vấn đề pháp lý liên quan việc thu hồi tài sản đối với bị can này sẽ như thế nào?
Cựu Chủ tịch BIDV - Trần Bắc Hà. |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan thi hành án dân sự khi có bản án sẽ thi hành trên cơ sở các quy định pháp luật.
“Các tài sản đã được áp dụng các biện pháp tạm thời càng nhiều, càng rõ thì khả năng thu hồi càng cao”, ông Sơn nói và cho biết về vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà hiện nay chưa có bản án nên cơ quan thi hành án chưa có căn cứ để thu hồi tài sản.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong những vụ việc như trên, không chỉ trong giai đoạn thi hành án mà ngay trong quá trình điều tra cũng có những biện pháp thu hồi tài sản. Việc thu hồi tài sản không chỉ thực hiện ở khâu thi hành án mà các giai đoạn tố tụng khác cũng có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, vấn đề thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm.
Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có kế hoạch thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm trưởng đoàn, đã kiểm tra 7 Đảng ủy Ban cán sự đảng, 9 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và hiện đang báo cáo với Ban chỉ đạo đồng thời chờ kết luận chính thức.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn. |
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, trong 9 tháng vừa qua, kết quả thu hồi tài sản có khởi sắc và khá hơn trước. Thời gian tới, Tổng cục sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hồi tài sản hiệu quả.
Cụ thể, tăng cường chỉ đạo đối với cơ quan thi hành án địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM, yêu cầu báo cáo tiến độ thi hành các vụ việc cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, nếu có khó khăn cũng phải báo cáo để tháo gỡ.
“Ở Trung ương, ngoài chỉ đạo, chúng tôi tự mình kiểm soát tình hình chặt chẽ, phát hiện thấy vướng mắc thì chủ động chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Có thể khẳng định kết quả hiện nay đã khá hơn. Khi có chỉ đạo chính thức của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể những mặt được, mặt tồn tại và giải pháp thời gian tới”, ông Sơn nói./.
Theo Kim Anh/VOV