Huyện Điện Biên: Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm
"Mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm" được triển khai thực hiện tại các xã Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Chăn huyện Điện Biên với quy mô 60ha. |
Huyện Điện Biên có tổng diện tích lúa của cả năm trên 10.000 ha. Trong đó, vụ Đông xuân trên 4.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha; Vụ mùa trên 6.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 57 tạ/ha. Tổng sản lượng lúa hàng năm đạt trên 65.000 tấn.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân theo phương thức “gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ”, hay còn gọi là “liên kết sản xuất theo mô hình cách đồng lớn”, “Mô hình chuỗi giá trị” còn chưa tương xứng với diện tích và sản lượng lúa của huyện, thể hiện là trong các năm qua, đại đa số sản lượng lúa được nông dân tiêu thụ qua hình thức “Tự sản tự tiêu”, và chủ yếu qua trung giang “Thương lái” chiếm hơn 98%, chỉ có khoảng 2% sản lượng được các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của nông dân thực hiện thu mua thông qua hình thức “Hợp đồng liên kết” từ đầu vụ.
Trong thời gian qua, tỉnh và huyện đã có nhiều cố gắng thúc đẩy sản xuất lúa gạo tại vùng trọng điểm cánh đồng Mường Thanh huyện Điện Biên, trên cơ sở xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi, thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng, tăng cường đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo, nhằm nâng cao hiệu quả và lợi nhuận cho bà con nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế của cả nước.
Song việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, đã gây ra những khó khăn, bất lợi cho nông dân khi bị thương lái, doanh nghiệp ép giá mà nông hộ còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Nông dân phải mua vật tư nông nghiệp với giá cao và tiêu thụ lúa gạo với giá bất lợi, lợi nhuận bị giảm thấp.
Hệ quả tất yếu là đã gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp, gây trở ngại cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cản trở đến việc triển khai và thực hiện Chương trình xây dựng “nông thôn mới”, các chương trình giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo và do đó, làm hạn chế tốc độ tăng tưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Từ những thực trạng trên cho thấy, việc triển khai các mô hìnhliên kết, áp dụng các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện là rất cần thiết. Chính vì vậy, Trung tâm DVNN huyện phối hợp với Phòng NN&PTNT, HTX dịch vụ Thanh Yên xây dựng “Mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn huyện Điện Biên”.
Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông xuân 2019-2020. |
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Qua 4 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử thông qua mô hình liên kết trên địa bàn huyện Điện Biên, giống HaNa 112 cho năng suất tương đối cao và ổn định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Trong thời gian tới huyện sẽ phối hợp với công ty giống, tạo điều kiện hồ sơ, thủ tục để đưa giống HaNa 112 vào bộ giống của tỉnh và mở rộng diện tích trồng đại trà.
Qua 4 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử thông qua mô hình liên kết trên địa bàn huyện Điện Biên, giống HaNa 112 cho năng suất tương đối cao và ổn định ở cả 2 vụ/năm (vụ Mùa 2018 NSBQ đạt 63,5 tạ/ha; Vụ Đông Xuân 2018-2019 NSBQ đạt 69,1 tạ/ha; Vụ Mùa 2019 NSBQ đạt 64,2 tạ/ha; Vụ Đông xuân 2019-2020 năng suất ước đạt 68,3 tạ/ha). Tỷ lệ gạo sát đạt trên 70%. Về chất lượng: Cơm dẻo, thơm, đậm, ngon hơn Séng cù và Bắc thơm số 7, được nhiều người tiêu thụ đánh giá cao. Do đó giá thóc luôn cao hơn và ổn định so với thóc Séng cù và Bắc thơm số 7.
Ngoài ra việc liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu đã thúc đẩy quá trình phân công chuyên môn hoá sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển một phần lao động nông nghiệp sang lao động trong ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp; góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thêm việc làm, cải thiện đời sống của hộ nông dân trong huyện, đồng thời nâng cao trình độ tiếp thu khoa học - kỹ thuật, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và đã phần nào làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu trước đây ở nông thôn.
Qua 4 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử thông qua mô hình liên kết trên địa bàn huyện Điện Biên, giống HaNa 112 cho năng suất tương đối cao và ổn định ở cả 2 vụ/năm. |
Trong tiến trình thực hiện liên kết trong sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm, cũng góp phần giảm thiểu sử dụng các loại phân bón vô cơ, các hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu, trừ bệnh, các chất kích thích sinh trưởng,... Như vậy, từ mô hình liên kết cũng đã góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay và tương lai phải là hàng hóa sạch, chất lượng.
Khâu tổ chức sản xuất trong thời gian qua và trong quá trình thực hiện mô hình cũng đã đạt được kết quả nhất định, như: Có sự tham gia của các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương,... Tuy nhiên, sự liên kết hay phối hợp giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế. Trong một số trường hợp, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, người nông dân hoặc doanh nghiệp, HTX bị thiệt hại chưa được giải quyết hài hòa, thiếu sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc áp dụng “Mô hình liên kết sản xuất giống lúa HaNa 112 theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Điện Biên là hướng đi phù hợp vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái, mở ra cho nông dân một triển vọng mới để nâng cao giá trị trong sản xuất lúa./.