Toàn cảnh "bức tranh" năng suất lao động Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tăng đều nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực
Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, năng suất lao động (NSLĐ) xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Cách tính này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.
Có thể nói, NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLĐ đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.
Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Nông, lâm, thủy sản: Thấp nhất trong các khu vực
Số liệu thống kê cho thấy, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên; tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Cụ thể, trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đây là khu vực có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm).
Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ…
Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: Chưa được như kỳ vọng
Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế về quy mô nhưng NSLĐ của khu vực này chưa thể hiện rõ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng nhanh.
Năm 2018, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng theo giá hiện hành đạt 131 triệu đồng/lao động, gấp 1,3 lần NSLĐ chung, tăng 47,4 triệu đồng/lao động so với năm 2011, trong đó NSLĐ ngành công nghiệp đạt 154,1 triệu đồng/lao động, tăng 55,4 triệu đồng/lao động; ngành xây dựng đạt 75,7 triệu đồng/lao động, tăng 27,2 triệu đồng/lao động.
Tính theo giá so sánh, NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2018 tăng 4% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 3%/năm, trong đó NSLĐ riêng ngành công nghiệp năm 2018 tăng 4,5%, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 3,1%, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 1,83%/năm.
Như vậy, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ mang tính bứt phá thì mục tiêu tăng NSLĐ ngành công nghiệp 5,5%/năm giai đoạn 2016-2020 khó hoàn thành. Trong khi ngành xây dựng hiện nay có NSLĐ khá thấp, năm 2018 NSLĐ ngành này chỉ tăng 2,88%; bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 2,63%, chỉ đạt 75,7 triệu đồng/lao động, bằng 74,1% mức NSLĐ chung.
Khu vực dịch vụ có mức NSLĐ theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 118,1 triệu đồng/lao động, gấp 1,2 lần NSLĐ chung. Tính theo giá so sánh, NSLĐ khu vực dịch vụ năm 2018 tăng thấp nhất kể từ năm 2013 trở về đây với 1,47% so với năm trước, tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,1%/năm.
Trong khu vực dịch vụ, ngành bán buôn, bán lẻ và ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực này nhưng có mức NSLĐ lần lượt là 82,3 triệu đồng/lao động và 76,1 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 80,5% và 74,4% mức NSLĐ chung của nền kinh tế và ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Nhìn chung, NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ lớn hơn nhiều lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng do tốc độ tăng NSLĐ thấp hơn nên khoảng cách về NSLĐ giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với hai khu vực này ngày càng được thu hẹp. Điều này còn cho thấy các ngành công nghiệp và dịch vụ chưa được như kỳ vọng là những ngành kinh tế chủ chốt, động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế.
Khoảng cách DN ngoài nhà nước và FDI: Ngày càng nới rộng
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, vì vậy, năng suất lao động doanh nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung cả nước. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung cả nước nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên NSLĐ của doanh nghiệp Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần mức NSLĐ chung của cả nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần.
So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất; mặt khác, khoảng cách về năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp ngoài nhà nước đang ngày càng nới rộng. Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất lao động của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp so với các loại hình doanh nghiệp còn lại do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong giai đoạn vừa qua luôn có tác động tích cực đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguyên vật liệu làm đầu vào trong nước ở Việt Nam đạt 67,6%, thấp hơn nhiều so với một số nước như Trung Quốc (97,2%); Malaysia (99,9%) hay Thái Lan (96,4%).
NSLĐ theo giờ làm việc khá thấp so với một số nước ASEAN
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 45,3 giờ năm 2018.
Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số giờ làm việc thực tế bình quân mỗi tuần năm 2018 thấp nhất với 39,7 giờ; trong khi số giờ làm việc thực tế bình quân của khu vực công nghiệp, xây dựng là 50,3 giờ và khu vực dịch vụ là 47,4 giờ.
NSLĐ trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017. Theo giá so sánh, năm 2018 NSLĐ theo giờ tăng 5,3% so với năm trước (thấp hơn mức tăng 6% của NSLĐ tính theo lao động), bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 4,8% (bình quân tốc độ tăng NSLĐ tính theo lao động giai đoạn này là 4,9%).
Tính theo PPP 2011, NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN, năm 2015 chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD. Riêng Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ rất cao với 54,9 USD nhưng do số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động ở Singapore cao hơn ở Việt Nam nên khoảng cách giữa năng suất tính theo mỗi giờ làm việc giữa Singapore và Việt Nam (12,5 lần) đã giảm so với khoảng cách 13,7 lần khi tính theo năng suất trên mỗi lao động.
Cải thiện NSLĐ, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế
Tóm lại, theo Tổng cục Thống kê sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai./.
Theo Chinhphu.vn