Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Chủ Nhật, 29/09/2024, 05:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trước tình trạng thiếu hàng nghìn giáo viên ở tất cả các cấp học, năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp trước mắt nhằm bù lấp khoảng trống thiếu giáo viên và đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường theo chương trình quy định.

Là trường liên cấp tiểu học và trung học cơ cở có quy mô 24 lớp với hơn 750 học sinh, Trường PTDTBT Tiểu học -  Trung học cơ sở Nậm Chua, huyện Nậm Pồ hiện có 39 giáo viên, so với định mức nhà trường đang thiếu 4 giáo viên. Khắc phục tình trạng này, bước vào năm học mới, trường đã chủ động sắp xếp, phân công tăng số tiết dạy cho giáo viên, phân công giáo viên kiêm nhiệm một số môn theo chương trình quy định.

“Đối với trường liên cấp, nhà trường có giải pháp đưa giáo viên tin học của tiểu học dạy cả trung học, âm nhạc cũng là giáo viên tiểu học dạy kê lên để đảm bảo số tiết theo quy định. Đối với môn ngoại ngữ thì cũng bố trí dạy đan xen để dạy đủ các lớp.” -  Thầy giáo Chu Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học -  Trung học cơ sở Nậm Chua, cho hay.

Huyện Nậm Pồ hiện có 42 trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở với gần 21.000 học sinh, so với định mức biên chế huyện đang thiếu 150 giáo viên ở 3 cấp học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều giải pháp tạm thời như: tổ chức dồn nhóm, lớp trong điều kiện có thể; điều động biệt phái giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều sao cho thuận lợi đối với giáo viên nhưng phải đảm bảo quyền học của học sinh đúng quy định…

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, thông tin: “Phòng Giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện biệt phái giáo viên đi các trường. Đối với giáo viên dạy văn hóa thì chỉ đạo các trường hợp đồng trong số hợp đồng chỉ tiêu giáo viên được giao làm sao đảm bảo giáo viên đứng lớp; đối với môn ngoại ngữ và tin học, phòng chỉ đạo nhà trường tăng cường dạy học trực tuyến giữa các trường và trong cùng một trường.”

1
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có những giải pháp khác nhau, tuy nhiên cũng chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt không bền vững.

Thực trạng thiếu giáo viên và thiếu giáo viên các bộ môn chuyên biệt tại Điện Biên tập trung ở hầu hết các huyện vùng cao, biên giới như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ… Đây là các địa bàn rất nhiều khó khăn trong giao thông, hạ tầng, đời sống.

Để đảm bảo thời lượng học đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, huyện Điện Biên Đông đã thực hiện giải pháp trước mắt đó là dạy học trực tuyến, dạy học liên trường, liên xã; bố trí giáo viên các bộ môn chuyên biệt tiếp tục đảm nhiệm giảng dạy ở các khối...

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông: “Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huyện đã kết nối với thành phố Thủ Đức để lên phương án dạy trực tuyến và hỗ trợ dạy tốt môn tiếng Anh”.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên thiếu khoảng hơn 2.070 cán bộ, giáo viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chủ động xây dựng phương án điều động, biệt phái giáo viên để sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; đồng thời, hướng dẫn cụ thể các trường, các huyện thực hiện phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với những môn, như: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên: “Giải pháp trước mắt trong những năm vừa qua, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, trên cơ sở đó bố trí sắp xếp cho hợp lý giữa các trường có thể giảng dạy cùng cấp và dạy liên trường, liên cấp với Tiểu học và THCS mỗi giáo viên có thể dạy nhiều trường. Và phương án nữa là bố trí để dạy học trực tuyến”.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt không bền vững; giải pháp mang tính lâu dài để gỡ khó bài toán thiếu giáo viên, đảm bảo thời lượng, chương trình giảng dạy đúng quy định, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 45 chỉ tiêu đi đào tạo trình độ Đại học sư phạm Tiếng Anh, tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt để các địa phương có thêm nguồn tuyển, giúp Điện Biên dần tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên đã tồn tại nhiều năm./.

 

 

Đào Phương - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

 

.