Khó khăn vì thiếu giáo viên
Điện Biên TV - Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tiếp tục đối diện với khó khăn do thiếu hàng nghìn giáo viên các cấp học. Trong đó, thiếu hàng trăm giáo viên các môn chuyên biệt như: Ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất… tình trạng thiếu giáo viên khiến sự nghiệp giáo dục ở các địa phương, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa rất khó khăn.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, môn học Âm nhạc và Mỹ thuật là môn học bắt buộc ở cấp tiểu học, tuy nhiên, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Vì, huyện Mường Nhé hiện đang thiếu giáo viên 2 bộ môn này. Do đó, các cô giáo chủ nhiệm không có chuyên môn phải đảm nhiệm thêm nên quá trình giảng dạy cũng có nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức.
Không chỉ thiếu giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật, hiện Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Vì, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé thiếu tổng số 11 giáo viên, trong đó thiếu 7 giáo viên văn hóa, 4 giáo viên chuyên biệt.
“Với thực trạng chung của toàn ngành thì nhà trường cũng cố gắng sắp xếp 1 lớp 1 giáo viên văn hóa, còn đối với những tiết chuyên không có giáo viên thì chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí.” - Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Vì, cho biết.
Theo thống kê, ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Mường Nhé hiện còn thiếu 305 giáo viên; trong số đó, giáo viên các bộ môn chuyên biệt thiếu 60 người. Tình trạng thiếu giáo viên với số lượng lớn ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên thiếu hơn 2.070 giáo viên, đặc biệt với các môn chuyên biệt, gây nhiều khó khăn trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh. |
Thầy giáo Dương Tiến Công, Trường PTDTBT THCS Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, thông tin: “Hiện nay, nhà trường có tổng số 30 lớp, 1164 học sinh. Hiện tại, chúng tôi đang có 51 giáo viên, so với chỉ tiêu biên chế nhà trường hiện đang thiếu 16 giáo viên. Những môn thiếu nhất là Tiếng Anh và môn Văn".
Chung thực trạng với Mường Nhé, các huyện vùng cao: Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa… đã nhiều năm thiếu giáo viên và thiếu giáo viên các bộ môn chuyên biệt. Khó tuyển dụng được giáo viên mới, các trường học phải tăng số tiết dạy cho giáo viên, phân công giáo viên kiêm nhiệm, dạy học trực tuyến trong điều kiện khó khăn...
Thầy giáo Nguyễn Thế Lanh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mường Tỉnh, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông: “Nhà trường hiện đang thiếu 1 giáo viên Tiếng Anh, do đó phải triển khai dạy trực tuyến song việc làm này cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế và với các em học sinh thì việc tiếp thu kiến thức cũng gặp nhiều trở ngại”.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên thiếu hơn 2.070 giáo viên. Trong đó khó khăn nhất là thiếu gần 300 giáo viên các môn chuyên biệt, riêng Tiếng Anh thiếu 110 giáo viên. Nguyên nhân do chưa có cơ chế tốt để thu hút giáo viên chuyên biệt lên công tác ở vùng cao, biên giới. Sinh viên được đào tạo các bộ môn này khi ra trường thường muốn làm việc ở các thành phố lớn có thu nhập cao hơn…
Bài toán thiếu giáo viên không phải là câu chuyện mới của năm học này, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm, thì đây sẽ là vấn đề lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh./.
Đào Phương - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN