Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: "Văn hóa còn thì dân tộc còn"; "Văn nghệ sỹ phải mang khát vọng lớn"

Thứ Tư, 24/07/2024, 07:58 [GMT+7]

Vẫn biết quy luật tạo hóa là sinh - lão - bệnh - tử, nhưng từ lúc được tin Trung ương thông báo tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tưởng rồi Bác cũng sẽ vượt qua, nào ngờ ngay chiều 19/7 được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần. Cả gia đình tôi đều lặng người, rơi lệ không nói nên lời.

1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ và đại biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Ảnh: Trần Huấn.

Tôi tin mọi người dân Việt Nam dù trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài đều bàng hoàng xúc động trước sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư, chúng tôi cảm thấy như mất đi một điều gì đó thật thiêng liêng cao quý. Tôi lên mạng tìm những hình ảnh của Bác, những câu nói ấn tượng, những lời răn dạy của Bác, rồi thiết kế nhanh một số tranh áp phích gửi cho các báo để kịp tuyên truyền, tâm trí nhiều lúc như thất thần khi nhìn hình ảnh Bác thật cương nghị mà trìu mến. Có thể nói cả không gian mạng tràn ngập các tin bài về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh em bạn bè đều đưa tin, chia sẻ những hình ảnh, kỷ niệm, những vần thơ, bài viết trên các trang cá nhân về Tổng Bí thư với niềm tiếc thương vô hạn, sự kính trọng tột cùng. Thương tiếc một con người giản dị mà thanh cao, một nhân cách lớn, một người lãnh đạo kiệt suất, người cộng sản trung kiên đã hết lòng vì nước, vì dân, cống hiến trọn đời và hy sinh hết mình cho Đảng, cho Dân đến những phút cuối cùng của cuộc đời.

Quả đúng vậy, mỗi khi nhớ đến Bác, nghĩ về Tổng Bí thư trong tôi lại hiện lên hình ảnh người lãnh đao cao nhất của Đảng thật đức độ, nhân từ, giản dị và thân thiện biết nhường nào, lại nhớ những hình ảnh Bác mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc cử tri, thăm các cơ quan, đơn vị, người dân hay trên các diễn đàn hội nghị… sao mà thân thương, trìu mến, bình dị đến vậy? Bác thật sự là một người gần dân, hòa vào dân. Tôi chắc rằng, nếu như ai đó chưa biết Bác, sẽ khó nhận ra đâu là người lãnh đạo tối cao của Đảng trong những bức ảnh bác với nhân dân. Lại được biết Bác từng đi xe máy đến thăm các thầy cô giáo cũ, đi xe bus cùng đoàn cán bộ đến chúc tết các cơ quan đơn vị. Rồi cả những lời răn dạy cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, coi danh dự là cái cao quý ở đời, thái độ kiên quyết của Tổng Bí thư trong xử lý đối với những thói hư, tật xấu, tệ nạn tham nhũng, quan liêu hại nước, hại dân của những cán bộ thoái hóa biến chất. Tất cả những điều này đã toát lên ở Tổng Bí thư một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn hóa mang tầm thời đại.

Là người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, tôi càng tâm đắc và ghi nhớ những chỉ đạo của Tổng Bí thư về lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực văn hóa; tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021 Tổng Bí thư cho rằng: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất” bởi văn hóa chính là hồn cốt tinh thần của dân tộc. Có vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa đúng nghĩa là những giá trị tinh túy nhất được trưng cất trở thành những giá trị cao đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn và tiến bộ nhất. Người có văn hóa là người có đời sống tâm hồn phong phú, không phải chỉ có ăn ngon, mặc đẹp mà phải được sống trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng... Ngược lại những thói hư, tật xấu, sự bỉ ổi chính là vô văn hóa, sự lớn hèn, vị kỷ, lòng tham, sự vô cảm trước cuộc sống, trước đồng loại chính là sự phi văn hóa, phản văn hóa. Tôi biết Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh ý này, như muốn nhắc nhớ răn dạy những cán bộ cấp dưới.

Tổng Bí thư còn nhắc lại lịch sử cho thấy, quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó chính là phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội. Bởi nó có vai trò tiên phong “Soi đường cho quốc dân đi”. Chính vì vậy, cần phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần cống hiến của mỗi người Việt Nam, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ nhằm tạo ra những nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước lâu dài; xây dựng con người Việt Nam với những chuẩn mực đạo đức của thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, gắn với gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; phát huy chủ thể sáng tạo, tôn trọng bảo vệ sự đa dạng của văn hóa, truyền thống của dân tộc, các vùng miền...Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu theo đạo đức phong cách văn hóa Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Tổng Bí thư cũng bày tỏ tin tưởng với một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, một dân tộc văn hiến, trọng hiền tài, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ tâm huyết, tài năng có trách nhiệm cao với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và tương lai của dân tộc; cùng với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế, những thách thức, sự tác động của văn hóa ngoại lai để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm vẻ vang thêm truyền thống của cha ông. Để Tổ quốc ngàng càng cường thịnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phồn vinh, xứng với truyền thống ngàn năm văn hiến của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc trên thế giới…

Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi cũng là người cùng được nghe trực tiếp bài phát biểu của Tổng Bí thư tại lễ kỉ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (VHNT) tháng 7/2023. Bên cạnh sự động viên đánh giá, ghi nhận những đóng góp to lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, của đội ngũ văn nghệ sỹ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Tổng Bí thư cho rằng văn nghệ sỹ phải mang khát vọng lớn. Tôi càng nhớ thấm thía từng lời phát biểu, từng cử chi ân cần, tâm huyết của người đứng đầu đất nước, đối với lĩnh vực hoạt động của mình. Theo Tổng Bí thư, hơn lúc nào hết người nghệ sỹ chân chính, phải bám sát đời sống, dám dấn thân vào những mũi nhọn của cuộc sống trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, đối ngoại; đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo...để phát hiện và phản ánh kịp thời những nhân tố mới tích cực, những vấn đề nảy sinh trong đời sống. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, chống những thói hư, tật xấu, sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền, như thế mới góp phần xây dựng một xã hội văn minh, con người Việt Nam có tri thức, văn minh, thanh lịch và chứa chan tình người. “Chỉ có như vậy VHNT mới thực sự phản ánh xã hội bằng những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho xã hội, cho công chúng.” Tôi càng nhớ và càng thấm thía hơn khi Tổng Bí thư nhấn mạnh về ý thức của đội ngũ văn nghệ sỹ chúng ta. “Thời đại và cuộc sống quanh ta có vô vàn điều cần nói, cần viết, cần phản ánh nhưng nói, viết, phản ánh như thế nào? thông qua tư duy khách quan của người nghệ sỹ hướng đến những giá trị cao đẹp về Chân, Thiện, Mỹ và văn nghệ sỹ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi dãi bày tâm trạng cá nhân”.

Tổng Bí thư cũng nhận định bên cạnh những văn nghệ sỹ gắn bó máu thịt và cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, còn có những người phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, dẫn đến việc tác phẩm xa rời cuộc sống, thậm chí có cả những tác phẩm có nội dung xấu, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên của dân tộc, cá biệt còn đòi “hạ bệ”, “giải thiêng” “bôi đen” các giá trị to lớn, thiêng liêng của đất nước, của chế độ. Điều này tôi nghiệm thấy trong giới văn nghệ sỹ chúng ta không ít người mắc phải. Họ tự gặm nhấm tâm tư, đề cao cái tôi, lấy tiểu xảo, lấy sự kỳ quặc thay cho tài năng, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, họ cho đó là đổi mới, là sáng tạo, là siêu nghệ thuật...coi sáng tạo nghệ thuật như một thú vui, giải trí, một cuộc chơi thỏa mãn những cảm nghĩ của cá nhân mình… Tổng Bí thư cũng cho rằng: “Thực tế đời sống văn nghệ của nước ta và trên thế giới cho thấy chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sáng tạo, thì người nghệ sỹ mới có thể đi xa và bền vững. Mục đích cuối cùng của nghệ sỹ chính là tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao phản ánh sinh động nhất về cuộc sống và tâm hồn tính cách dân tộc, những vấn đề lớn lao của đất nước, của thời đại và cả dự báo cho tương lai!”. Quả đúng như vậy, VHNT vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực sinh động, hiện thực cuộc sống, đi vào chiều sâu bên trong của bản chất. “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn” là “Người thư ký của thời đại” (Bandắc). Thiết nghĩ mỗi văn nghệ sỹ chúng ta cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm cho tác phẩm của mình mang đậm hơi thở cuộc sống, sao cho mỗi độc giả sau khi gấp sách lại đều cảm nhận “mạch đời đập dưới bìa sách, như mạch máu đập dưới làn da” (Ka-li-nin). Hay sau khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, buộc người ta phải rung động suy nghĩ, phải hướng tư tưởng đến những giá trị cao đẹp… Tôi nhớ Tổng Bí thư rất lưu ý về nội dung này, Bác mong muốn các văn nghệ sỹ hãy nhận thức rõ hơn nữa để xứng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân; không để những điều tầm thường dễ dãi ám ảnh mình, cũng như cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, thường xuyên học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, tạo nên những tác phẩm lớn mang hơi thở cuộc sống xứng tầm thời đại.

Còn nhớ hôm ấy Tổng Bí thư cũng mong muốn Liên hiệp VHNT Việt Nam, tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách thu hút trọng dụng, sử dụng và tôn vinh trí thức, văn nghệ sỹ tài năng. Đồng thời Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, VHNT trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động văn hóa, VHNT thông qua cơ chế chính sách như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực cả vật chất và tinh thần để văn hóa, VHNT phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc…

Những ngày tháng 7 này, đúng vừa tròn một năm Tổng Bí thư tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhưng than ôi ! hôm nay Bác đã đi xa về cõi vĩnh hằng, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước, thương nhớ người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người cộng sản trung kiên, nhà văn hóa lớn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh trọn đời mình cho Đảng, cho dân.  Bác đã sống trọn một đời đúng ý nghĩa, đúng lý tưởng mà Bác luôn tâm đắc. “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”

Những lời nhắc nhở, răn dạy của Tổng Bí thư như còn đang vang vọng ở đâu đây, mà bác đã đi xa lắm rồi. Những thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam nguyện khắc ghi lời Bác, noi gương Bác. Riêng tôi, trên Huân chương Lao động hạng  Nhì của mình có chữ kí tươi, mực xanh của Bác sẽ là một kỉ niệm quí giá, niềm vinh dự còn mãi.

Xin cúi đầu vĩnh biệt Bác!

 

 

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

.