Sở Thông tin và Truyền thông trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh (Kỳ 5)
Điện Biên TV - Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã trả lời các câu hỏi tại phiên họp. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đăng tải nội dung trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Tiếp theo...
Phần II: VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN
Câu 1: Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 (Quyết định số 194/QĐ- UBND tỉnh Điện Biên ngày 31/3/2014). Đến nay, phần lớn các mục tiêu phát triển lĩnh vực báo chí, xuất bản chưa đạt so với mục tiêu quy hoạch. Đơn cử như một số mục tiêu đề ra:
- Đài phát thanh- truyền hình, Báo Điện Biên phủ, tạp chí Văn nghệ Điện Biên tự chủ 30-50% kinh phí.
- 70% Đài Truyền thanh- truyền hình cấp huyện có chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc.
- 100% các xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng đài truyền thanh.
- Xây dựng Trung tâm báo chí của tỉnh phục vụ các sự kiện của tỉnh, của Quốc gia và quốc tế tại địa phương.
Nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời:
* Về nội dung tự chủ kinh phí:
Tỉnh Điện Biên hiện nay có 3 cơ quan báo chí gồm: Báo Điện Biên Phủ, Đài PTTH tỉnh, Tạp chí văn nghệ Điện Biên. Hằng năm, Báo Điện Biên Phủ tự chủ kinh phí đạt khoảng 12%; Đài PTTH tự chủ kinh phí đạt trên 26%; Tạp chí Văn nghệ Điện Biên chưa thực hiện được tự chủ (hiện tại Tạp chí vẫn sử dụng 100% ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ).
Nguyên nhân: Các ấn phẩm báo chí của tỉnh phát hành chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính chị của tỉnh; lượng độc giả ít, dịch vụ quảng cáo trên báo chí in hầu như không có. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin trên mạng xã hội đang phát triển nhanh, mạnh chiếm ưu thế hơn so với thông tin trên các loại hình báo chí, nhất là báo in. Do đó, làm giảm số lượng độc giả, truy cập, theo dõi thông tin trên báo chí ảnh hưởng đến lượng phát hành cũng như nguồn thu của các cơ quan báo chí.
Giải pháp: Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, hiện nay Sở TT&TT đang xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh Kế hoạch triển khai Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó có nêu rất rõ nội dung thực hiện về tự chủ kinh phí. Mặt khác các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm báo chí, chương trình phát thanh truyền hình để thu hút khán thính giả nhằm tăng số lượng phát hành cũng như thu hút được quảng cáo và các hợp đồng tuyên truyền khác.
* Về nội dung thực hiện chương trình truyền thanh bằng tiếng dân tộc ở Đài TTTH cấp huyện:
Hiện nay chỉ có 01/10 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện (thuộc Trung tâm văn hóa, TT-TH huyện Điện Biên) biên tập, biên dịch chương trình phát thanh ra tiếng Thái; 09 đơn vị còn lại chưa thực hiện được nội dung này.
Nguyên nhân không đạt mục tiêu về sản xuất, biên tập chương trình phát thanh cơ sở bằng tiếng dân tộc: Do Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố không được bổ sung biên chế nên không tuyển được người có chuyên môn về biên tập, biên dịch chương trình tiếng phổ thông ra tiếng dân tộc địa phương. Mặt khác, kinh phí cấp cho các Đài còn hạn hẹp, không có kinh phí cho việc thuê hợp đồng với cộng tác viên thực hiện việc biên tập, biên dịch tiếng dân tộc.
Giải pháp: Đề nghị các cấp bố trí kinh phí, bổ sung cán bộ có đủ năng lực cho các Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời các đơn vị Trung tâm Văn hóa, Truyền thanh - Truyền hình cần chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chương trình để thực hiện nhiệm vụ này.
* 100% các xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng đài truyền thanh.
(Nội dung này Sở TT&TT sẽ trả lời cụ thể ở phần sau)
* Xây dựng Trung tâm báo chí của tỉnh: Hiện nay, tỉnh đã thành lập Trung tâm báo chí theo từng sự kiện để phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, chưa xây dựng được Trung tâm báo chí để chuyên tổ chức sự kiện và bố trí các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú hoạt động tại Trung tâm.
Nguyên nhân: Môi trường báo chí trên địa bàn tỉnh chưa sôi động, do tỉnh là địa phương miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, đường sá đi lại khó khăn, có ít các sự kiện hoạt động lớn về kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị, ngoại giao… nên lượng thông tin không nhiều; số lượng các cơ quan báo chí Trung ương đặt cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ít. Do đó việc thành lập Trung tâm báo chí độc lập, cố định chưa được triển khai.
Giải pháp: Sở TT&TT tiếp tục tham mưu thành lập trung tâm báo chí khi đủ điều kiện trong giai đoạn 2021-2025 để phục vụ công tác tuyên truyền đối với các sự kiện lớn, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh dàn trải lãng phí.
Câu 2: Nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí ở tỉnh còn nhiều bất cập, Báo Điện Biên Phủ chỉ có 5/30 phóng viên có chuyên môn về báo chí; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, phóng viên vừa làm nhiệm vụ quay phim, vừa viết lời bình...do đó chất lượng chưa cao. Là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông có tham mưu các giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí?
Trả lời:
Tại Quy hoạch báo chí Xuất bản tỉnh Điện Biên giai đoạn đến 2020, Báo Điện Biên Phủ cần có từ 46-50 biên chế để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên hiện nay, tại báo Điện Biên Phủ chỉ có 28 biên chế chủ yếu giữ các vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý và bộ phận hành chính, nhiều năm không được tăng biên chế, trong khi nhiệm vụ công việc những năm gần đây tăng lên rất nhiều.
Hiện nay, phần lớn số lượng phóng viên hợp đồng của Báo Điện Biên Phủ (13-14 người) phải chuyển sang làm cộng tác viên và chỉ được hưởng nhuận bút khi có bài viết, không có chế độ đãi ngộ nào khác. Thực tế địa bàn tác nghiệp báo chí ở tỉnh ta rất khó khăn, vất vả, trong khi đó nhuận bút lại chưa cao, và cũng không có chế độ đãi ngộ để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ đào tạo đúng chuyên ngành.
Đài PTTH tỉnh những năm gần đây đã thường xuyên bố trí phóng viên tác nghiệp thành kíp (gồm 1 phóng viên quay phim và 1 phóng viên viết). Ở một số sự kiện đi theo đoàn vì lý do khách quan nên phần lớn chỉ bố trí được 1 phóng viên thực hiện (vừa quay phim vừa viết bài).
Mặt khác nghề báo là một nghề đặc thù, cần có sự sáng tạo và đặc biệt là năng khiếu. Trên thực tế có người học đúng chuyên ngành báo chí nhưng lại không có khả năng viết báo, (sau quá trình làm việc nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị đào thải); một số người dù không được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng lại có năng khiếu, có duyên với nghề. Trong quá trình tác nghiệp, viết tin, bài đã khẳng định được năng lực của chính mình bằng sản phẩm báo chí.
Để nâng cao chất lượng nội dung báo chí, các cơ quan báo chí cũng đã tích cực cử cán bộ phóng viên đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành; Hội Nhà báo tỉnh cũng đã tích cực mở nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn chuyên ngành báo chí cho những người làm báo của tỉnh.
Giải pháp: Hiện nay Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng dự thảo trình UBND kế hoạch thực hiện quy hoạch báo chí, trong đó có nội dung tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ phóng viên báo chí.
Đối với các cơ quan báo chí: Cần chủ động trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
Đối với các cơ quan chủ quản: Cần sự quan tâm bổ sung biên chế để cơ quan báo chí có thể lựa chọn, tuyển dụng những người có trình độ đào tạo đúng chuyên ngành báo chí làm việc tại cơ quan báo chí.
Còn tiếp...
BT/DIENBIENTV.VN