"Giờ là lúc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí và kỷ luật"
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng giờ là lúc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí và kỷ luật khi "chống giặc Covid-19".
Trong kết luận về công tác phòng chống dịch được ban hành cuối tuần qua, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch Covid-19.
Chúng ta đang đối mặt với thử thách rất lớn
Trong lịch sử đất nước, ngoại trừ lúc đất nước lâm nguy bởi sự xâm lược của những thế lực ngoại bang, Đảng, Chính phủ phải đứng lên kêu gọi, tổng động viên toàn dân, toàn quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, thì chưa có cuộc chiến nào có thể so với trận chiến chống “giặc” Covid-19 lần này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
“Tôi cho rằng, đây là một thử thách rất lớn bởi chúng ta đang chứng kiến rất nhiều nước lớn với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ cũng đang phải kiên trì đấu tranh với thảm họa này. Vì thế những thành quả bước đầu là rất đáng ghi nhận nhưng rõ ràng thử thách vẫn còn đang ở phía trước”, nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận.
Theo ông, việc thiết chế cao nhất của đất nước – đó là Bộ Chính trị, đã kêu gọi cả nước tham gia vào cuộc chiến này cho thấy đây là cuộc chiến không hề dễ dàng. Điều đó cũng đã thể hiện trong quan điểm của lãnh đạo Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Không phải tự nhiên cả quân đội, công an cùng vào cuộc, sát cánh cùng các lực lượng xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của lực lượng y tế. Mỗi người dân không chỉ chiến đấu bảo vệ bản thân mình mà bảo vệ tất cả mọi người. Phải nói rằng, trong bối cảnh hiện nay trên thế giới, chúng ta vẫn duy trì được công tác phát hiện, cách ly kịp thời người mắc bệnh như vậy là rất đáng tự hào.
“Tôi cũng thấm thía những điều mà trong phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nhấn mạnh, đó là không thể chủ quan. Sai sót của cá nhân có thể xoay chuyển cả tình hình theo chiều hướng xấu đi. Hơn lúc nào hết, giờ là lúc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nhất trí và kỷ luật”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Vì thế, khi bước vào trận đánh, vai trò của cơ quan chỉ huy cũng như người tổng chỉ huy là cực kỳ quan trọng trong thắng lợi cuối cùng. Nhưng làm sao để những quyết sách, chỉ đạo của cơ quan chỉ huy xuống được tới từng người dân theo cả 2 chiều người dân tuân thủ mệnh lệnh của Chính phủ và ngược lại Chính phủ lắng nghe ý kiến của người dân, thì mới mang lại hiệu quả.
“Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hàng ngày người dân vẫn nhận được tin nhắn của Bộ Y tế. Nhưng hôm nay, rất đông người dân, trong đó có tôi, nhận được tin nhắn trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế; lưu ý đặc biệt người trên 60 tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh này nên ở nhà, tăng cường dinh dưỡng, tập luyện nâng cao sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người khác… Với tôi hành động đó thể hiện một sự quan tâm hết sức thiết thực”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Biến nguy thành cơ, coi giải pháp tình thế là một cơ hội
Có thể khẳng định, trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, Chính phủ đã làm rất nhiều, người dân cũng có rất nhiều sáng kiến, giải pháp để vượt khó, nhưng theo ông Dương Trung Quốc, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc coi đó là một giải pháp tình thế mà hãy coi đó là một cơ hội, đúng như tinh thần của Thủ tướng "biến nguy thành cơ", chúng ta tỉnh táo vượt qua và tạo ra những động lực trên con đường phát triển.
Cụ thể, theo nhà sử học, đó là xu hướng thanh toán online, khi mà Chính phủ đã mong muốn thu hẹp và hạn chế việc sử dụng tiền mặt từ lâu. Thì thời điểm này, người dân đã phần nào ý thức được vấn đề này để bảo vệ an toàn cho chính mình nên đã chủ động tiếp cận với phương pháp thanh toán điện tử. Có thể coi đó là một cơ hội để có chính sách, chế độ không chỉ khích lệ mà giám sát nó để sau khi hết dịch nó có thể trở thành một thói quen bình thường.
Hay như việc dạy học online, hiện vẫn đang là một giải pháp tình thế, tùy thuộc từng địa phương, nhà trường, thầy cô. Nhưng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bây giờ, bên cạnh việc ứng phó tình thế, nên chăng Bộ Giáo dục-Đào tạo có chỉ đạo xây dựng một chương trình dạy học online thật chuẩn mực, đến khi hết dịch chương trình đó vẫn tồn tại để các thầy cô, học trò có thể tham khảo các bài giảng mẫu trong bối cảnh chúng ta đang thay đổi, cải tiến chương trình dạy học, hạn chế tình trạng học sinh phải vào các lò luyện thi…
Hay như thói quen bắt tay, tưởng như bình thường vậy tại sao chúng ta không quay trở lại với cách ứng xử của ông cha ta, đứng cúi đầu chào nhau rất lễ phép, lịch thiệp. Điều đó thế giới đang làm rồi, thói quen bắt tay của phương Tây có thể vẫn duy trì nhưng phải chuyên nghiệp hơn, khi bắt tay phải sạch, biết cách cầm tay sao cho đàng hoàng, chứ không vồ vập, níu kéo nhau…
Những câu chuyện này sẽ là cơ hội không dễ gì có được để chúng ta thay đổi lối sống hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta không chỉ ứng phó với tình huống trước mắt, mà hoàn toàn có thể biến thành cơ hội, thành một xu thế phát triển đường dài bởi sau này, dịch bệnh rồi những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề thường xuyên chúng ta phải ứng phó.
Trong chiến tranh, sự khắc nghiệt thể hiện rất rõ ở sự chết chóc. Nhưng trong dịch bệnh, nếu không tuyên truyền tốt, không làm cho mọi người thấy rằng họ đang ở trong cuộc, có nguy cơ lây nhiễm cao, căn bệnh chủ quan rất dễ xảy ra, ai cũng nghĩ là chuyện của thiên hạ, không liên quan đến mình, chỉ khi trực tiếp dính đến thì mới giật mình thì đã muộn.
Thời gian qua, ông Dương Trung Quốc nhận định, chưa bao giờ bộ máy tuyên truyền của chúng ta làm mạnh như vừa rồi. Trên các diễn đàn, chính người dân cũng đã tự điều chỉnh nhau, tự chia sẻ lẫn nhau, chứ không hẳn là áp lực từ chế tài của Nhà nước. Điều đó rất quan trọng, chính người dân trong thực tiễn đã tác động vào, muốn có được điều đó chúng ta phải có một đường hướng đúng để thuyết phục mọi người tuân theo./.
Link: https://vov.vn/chinh-tri/gio-la-luc-phat-huy-cao-do-tinh-than-doan-ket-nhat-tri-va-ky-luat-1026004.vov
Theo Uyển Thanh/VOV