Điện Biên nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT

Thứ Tư, 24/10/2018, 07:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chính sách bảo hiểm y tế là một trong chính sách an sinh xã hội quan trọng thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân. Để chính sách bảo hiểm y tế thực sự phát huy bản chất ưu việt, song song với công tác phát triển, mở rộng đối tượng, đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia thì việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến y tế là một giải pháp quan trọng.

Năm 2018 là năm thứ 4 thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm Xã hội đến nay diện bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Điện Biên đạt gần 99% dân số.

1
Tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. ảnh KT

 

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đòi hỏi các cấp, các ngành phải triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể sát với tình hình thực tế. Trong đó, yêu cầu về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là y tế tuyến dưới luôn được đặt ra. Bởi chỉ khi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất thì khi đó giá trị của tấm thẻ bảo hiểm y tế mới thực sự phát huy tác dụng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Xác định rõ điều này, trong những năm qua song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Theo đó, Ngành Y tế đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; trang thiết bị, vật tư y tế cũng từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Điện Biên có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 khu điều trị Phong, 10 trung tâm y tế, 130 trạm y tế xã, phường, thị trấn với trên 1.800 giường bệnh, đạt tỷ lệ 32 giường bệnh/vạn dân.

Về đội ngũ, toàn ngành có trên 4000 nhân lực, trong đó bác sĩ trên 700 người, đạt tỷ lệ 12,2 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc đạt 90%; tỷ lệ trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đạt gần 98%. Toàn tỉnh có 72 xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.

Song song với đó, Ngành Y tế quán triệt các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng tới đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân tận tình chu đáo không phân biệt giữa khám BHYT với khám dịch vụ; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT kịp thời, nhanh chóng, đúng quy định. Nhìn chung, mạng lưới cở sở y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

1
Những năm qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều ca mổ trực tuyến và đây là hoạt động nằm trong đề án “Bệnh viện vệ tinh” đã ký kết. ảnh KT

 
Là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, chính vì vậy, trong những năm trước đây công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân đặc biệt là các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn.

Một phần do đời sống kinh tế khó khăn không có tiền thanh toán chi phí khám chữa bệnh, phần khác do phong tục tập quán lạc hậu vẫn tin tưởng vào chữa bệnh bằng bốc thuốc lá, cúng bái của một bộ phận người dân. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, công tác bảo hiểm y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã thay đổi hẳn nhận thức so với trước đây. Một điều dễ dàng ghi nhận tại khu tiếp đón bệnh nhân, khoa khám bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện là đại đa số người dân đến khám, chữa bệnh đều là các đối tượng sử dụng thẻ BHYT hộ nghèo, dân tộc thiểu số hoặc các đối tượng chính sách.

Tại các khoa, phòng điều trị, phần lớn các bệnh nhân nằm điều trị dài ngày cũng thuộc đối tượng sử dụng thẻ BHYT và được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị. Để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh BHYT của người dân, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục khám chữa bệnh tại các tuyến.

Đặc biệt là công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách. Thực hiện nghiêm túc về giá dịch vụ y tế, chuyển tuyến, kết nối thông tin giám định BHYT giữa các cơ sở y tế theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện công tác giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ BHYT, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Có thể khẳng định, với hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế phủ khắp từ tỉnh xuống cơ sở, đội ngũ y bác sĩ được bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn; công tác phối hợp với cơ quan BHXH, các ngành chức năng được tăng cường, siết chặt, Ngành Y tế tỉnh nhà đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, và nâng cao sức khỏe người dân.

1
 Đội ngũ y bác sĩ được bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn từng bước đáp ứng nhu cầu khàm chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn

 

9 tháng đầu năm 2018, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã khám bệnh cho gần 730 nghìn lượt người, kê đơn cấp thuốc tuyến xã gần 200 nghìn lượt người. Trong đó, có trên 572 nghìn lượt khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT chiếm 78% tổng số lượt khám, chữa bệnh.

Tổng số tiền thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đạt trên 310 tỷ đồng. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chi trả kịp thời chi phí khám chữa bệnh y tế không những góp phần giúp người bệnh yên tâm điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân tin tưởng vào chế độ chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh ta hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư, xây dựng nhưng vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu trong thực tế, đặc biệt tại các trạm y tế xã; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở còn nhiều hạn chế, danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT còn ít trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Bởi vậy, trong thời gian tới công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT đòi hỏi phải có sự chuyển biến rõ nét hơn nữa, lấy người bệnh là khách hàng, là trung tâm phục vụ./.


                                 

 

Chu Linh/DIENBIENTV.VN

.