Chủ động phòng, ngừa bệnh liên cầu lợn ở người

Thứ Bảy, 18/07/2015, 17:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, bệnh liên cầu lợn đang bùng phát tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ. Mới đây, tỉnh Lai Châu đã ghi nhận 2 trường hợp thương vong do ăn thịt lợn ốm; qua chẩn đoán, cơ quan chức năng nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn. Đây là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nên người dân cần chủ động phòng, ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sỹ Lê Trọng Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Năm 2014, Điện Biên ghi nhận 1 trường hợp tử vong do liên cầu lợn tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa tiến hành điều tra, hồi cứu các yếu tố dịch tễ liên quan tại nơi có ca bệnh tử vong; lập danh sách theo dõi sức khỏe các thành viên gia đình bệnh nhân. Đồng thời, thông báo cho Chi cục Thú y phối hợp, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn kịp thời không để lây lan ra diện rộng. Sau ca bệnh đó, đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm ca mắc liên cầu lợn. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của bệnh liên cầu lợn thời gian gần đây, người dân cần chủ động phòng, tránh bệnh.

x
Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ giúp đàn lợn khỏe mạnh, không mắc các dịch bệnh truyền nhiễm cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh trên người. Trong ảnh: Anh Phạm Huy Khánh, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo vệ sinh chăm sóc đàn lợn.

 

Theo bác sỹ Lê Trọng Cảnh, liên cầu lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở người và hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn. Bệnh thường tăng mạnh khi thời tiết nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau (xuất huyết dưới da từng mảng, xuất huyết tiêu hóa...). Đặc biệt, bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng và xuất hiện các biểu hiện như: tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu lợn đang có diễn biến phức tạp, hiện đã bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương trong cả nước, nguy cơ tử vong cao nếu bệnh lây lan sang người. Do đó, để chủ động phòng, ngừa bệnh liên cầu lợn, ngành Y tế khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ; không ăn thịt, nội tạng lợn ốm, lợn chết. Khi lợn chết phải chôn sâu và xa nguồn nước, xa khu dân cư và cần phải có chất sát khuẩn mạnh, như vôi bột, hoặc cloramin B. Không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống, tiết canh, nem chạo, nem chua, món tái, đặc biệt là tiết canh vì trong máu lợn ốm có nhiều vi khuẩn liên cầu lợn. Những người giết mổ lợn, phân phối, chế biến thịt lợn… cần đi găng tay đảm bảo chất lượng; dùng riêng dao, thớt, dụng cụ chế biến thịt lợn sống và thịt lợn đã nấu chín. Khi nghi ngờ mắc bệnh do liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.

 

Văn Quyết
 

.