Điện Biên triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai

Thứ Hai, 17/06/2019, 16:23 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", trong đó lấy phòng tránh là chính đang được các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện trong mùa mưa lũ năm 2019.

Theo dự báo, tình hình thời tiết mùa mưa lũ năm 2019 tại miền Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng có thể diễn biến phức tạp và khó lường hơn năm 2018. Khả năng các hiện tượng nguy hiểm như mưa lớn kéo dài, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra với tần suất cao và liên tục trên hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh thiên tai đã làm 4 người chết, mất tích (trong đó huyện Tủa Chùa 1 người do gió lốc ngày 17/2, huyện Điện Biên Đông 3 người bị lũ cuốn trôi ngày 3/6); 2 người bị thương. Mưa lũ cũng làm 462 nhà cần phải di dời, bị đổ sập, cuốn trôi, tốc mái, sạt lở; hơn 130 con gia súc, gia cầm bị chết; 5 trụ sở và 17 điểm trường bị tốc mái, sụt lún; 8 cột điện bị gãy đổ, hư hỏng; 89m kênh bị hư hỏng...

c
Huy động toàn dân, toàn xã hội tham công tác phòng, chống ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai


Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phải nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ gồm: Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương với quan điểm chủ động phòng là chính.

Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai có tính chuyên nghiệp cao. Huy động toàn dân, toàn xã hội tham công tác phòng, chống ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết: Ban chỉ huy của tỉnh đã chỉ đao đối với các huyện, thị xã, thành phố, các cấp, các ngành tập trung cho công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân nhằm giúp người dân thấy được những nguy hiểm có thể xảy ra khi mùa mưa lũ đến

Cảnh báo cho người dân phải chủ động theo dõi tình hình dự báo, chỉ đạo Ban chỉ huy các địa phương phải chủ động xây dựng các phương án, nếu trường hợp xảy ra thì phải có biện pháp sơ tán người dân ra vùng khỏi vùng lũ, đồng thời phát huy tinh thần bốn tại chỗ để khắc phục, ổn định đời sống của của người dân.

Cùng với đó là thực hiện theo phương châm bốn tốt: Cảnh báo, dự báo tốt; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tốt; chỉ đạo triển khai thực hiện bốn tại chỗ tốt; tuyên truyên, ứng phó và khắc phục hậu quả tốt. Mặt khác, làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro thiên tai và ba giai đoạn “Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả ”.

Song song với đó là thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí hậu, thời tiết, thủy văn; nhất là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bất thường, cực đoan xảy ra trên diện rộng để thông báo kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh và chú trọng phát huy phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng chống thiên tai.

Kiểm tra, rà soát toàn bộ các hộ dân đang sống trong vùng thiên tai nguy hiểm; các khu vực khai thác khoảng sản, hạ du hồ đập; cắm biển cảnh báo vùng nước nguy hiểm, thường xuyên kiểm tra các phương tiện đường thủy hoạt động trên sông, suối.

Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức để di chuyển kịp thời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng đến nơi an toàn.

Từ việc làm trên sẽ góp phần nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân, Nhà nước; đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai./.

 

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN
 

.