Gian nan giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Mường Nhé

Chủ Nhật, 21/04/2019, 09:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sinh con thứ 3 sẽ tạo ra nhiều hệ lụy như đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tăng cao, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số giảm.v.v..  Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở huyện Mường Nhé.

Theo chân cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Mường Nhé đi tuyên truyền, vận động Nhân dân các bản trong xã thực hiện chính sách dân số, chúng tôi đến nhà chị Vàng Thị Cá, ở bản Nậm Pố 3. Chị Cá lấy chồng từ năm 12 tuổi, năm nay tuy mới ngoài 40 tuổi nhưng chị Cá đã có tới 14 người con.

1
Gia đình chị Vàng Thị Cá, ở bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, năm nay tuy mới ngoài 40 tuổi nhưng chị Cá đã có tới 14 người con

 

Đã nhiều lần được cán bộ dân số xã đến tuyên truyền, vận động dùng các biện pháp tránh thai nhưng vợ chồng chị không đồng ý, nên các con chị cứ lần lượt chào đời. Đông con nhưng bữa ăn của gia đình chị Cá chỉ là nồi cháo loảng nấu măng! Điều đáng buồn hơn là phần đông những đứa con của chị đều phải bỏ dở dang việc học tập để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, trông em!
 
Còn với vợ chồng anh Ly Sái Chứ 37 tuổi và chị Vàng Thị Chua 34 tuổi ở bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì, dù mới cưới nhau được hơn 10 năm nhưng đã có tới 5 người con. Đứa con đầu mới 12 tuổi và đứa nhỏ nhất năm nay mới gần 3 tuổi. Thời điểm này dù đi làm nương khá xa nhà, nhưng buổi trưa anh chị vẫn phải cắt cử người về lo cơm nước cho bọn trẻ.

Nhà nghèo lại đông con, bữa ăn chỉ có cơm chan với nước rau, nhưng các con của anh chị vẫn ăn một cách ngon lành vì đói bụng. Thu nhập chính của gia đình anh Sái chủ yếu trông chờ vào bắp ngô, hạt lúa trên nương, vụ nào được mùa thì được khoảng 30 bao thóc, nên với 7 miệng ăn, năm nào cũng thiếu đói tới 3 đến 4 tháng.

Anh Ly Sái Chứ, Bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé chia sẻ: Nhà mình đẻ nhiều con nên rất khó khăn, bố mẹ làm nhiều cũng không đủ ăn đủ mặc. Nhà đông người, nương lại ít, không có tiền mua quần áo cho các con. Mua cho đứa này thì thiếu đứa kia, mua được quần áo thì lại không có tiền mua dép. Khó khăn lắm nhưng mà lỡ đẻ nhiều phải cố gắng nuôi con thôi.

1
Gia đình Anh Ly Sái Chứ, Bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì

 

Gia đình chị Cá, anh Chứ chỉ là hai trong số hàng trăm hộ gia đình sinh nhiều con tại huyện Mường Nhé. Mặc dù họ nhận thức được việc đông con thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tâm lý muốn sinh nhiều con để có người làm nương rẫy và phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, kế nghiệp dòng họ vẫn ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nơi đây.

Theo số liệu thống kê, năm 2002 khi mới thành lập huyện dân số  Mường Nhé có trên 25.000 người, đến năm 2013 là hơn 64.000 người. Sau hơn 10 năm, dân số của huyện tăng lên gấp gần 3 lần. Sau khi chia tách 5 xã sang huyện Nậm Pồ vào tháng 6 năm 2013, dân số của huyện Mường Nhé còn lại 34.000 người, đến nay sau gần 6 năm đã tăng lên hơn 44.500 người.

Mường Nhé là huyện có tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hàng năm cao nhất so với các địa phương trong tỉnh. Ngoài nguyên nhân gia tăng cơ học do dân di cư vào địa bàn thì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên do sinh con thứ 3 cũng ở mức rất cao. Trong ba năm trở lại đây, từ 2016 đến 2018 tỷ lệ sinh con thứ 3 tại huyện Mường Nhé chiếm từ 23 - 30%.

Cá biệt tại các xã như: Pá Mỳ tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 60%; Quảng Lâm trên 55%; Huổi Lếch 51%. Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 9.300 cặp vợ chồng nằm trong độ tuổi sinh đẻ, chiếm gần 83% số phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh đẻ.

Nhằm giảm tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3, hàng năm Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Mường Nhé đã thực hiện các chiến dịch tăng cường vận động, lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức tuyên truyền về công tác Dân số – KHHGĐ đến các bản, hướng dẫn các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai; cấp phát thuốc tránh thai; bao cao su cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Tuy nhiên, do là huyện vùng cao, biên giới với hơn 97% là dân tộc thiểu số sinh sống, dân cư ở không tập trung nên công tác truyền thông dân số gặp không ít khó khăn.

1
Đại đa số các gia đình sinh nhiều con ở huyện Mường nhé đều là những hộ nghèo

 

Ông Hạng A Tồng, Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Mường Nhé cho biết: Trong những năm trước đây và bây giờ cũng thế, chủ yếu chúng tôi tuyên truyền để bà con giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Tuy nhiên đối với đồng bào ở đây, đặc biệt là đồng bào Mông di cư vào trong địa bàn thì rất là khó tiếp cận.

Cái khó khăn nhất khi mà chúng tôi đi tuyên truyền đối với những cặp mới kết hôn và mới di cư vào thì bản thân tôi cũng là người Mông cũng trực tiếp đi tuyên truyền, lúc mình tuyên truyền thì bà con cũng hiểu nhưng mình không ở trực tiếp với bà con 24/24h được nên chỉ vài tuần sau quay lại thì cũng đâu vào đấy.

Cùng với những khó khăn trên, việc duy trì hoạt động của của đội ngũ cộng tác viên dân số ở bản cũng chưa hiệu quả. Hiện nay, huyện Mường Nhé có 117 cộng tác viên dân số bản. Đội ngũ này được coi như những cánh tay nối dài của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật về Dân số - KHHGĐ, chăm sóc Sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, giúp các cặp vợ chồng có nhận thức và hành vi tích cực về Dân số- KHHGĐ. Họ là những người am hiểu tập tục, nét sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, nên việc tiếp cận tuyên truyền, vận động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mức phụ cấp chưa được quan tâm thỏa đáng, chỉ với 200 nghìn đồng trên một tháng, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đội ngũ này.
 
Mặt khác, các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên chủ yếu nằm ở các gia đình dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong khi các hộ nghèo hàng năm được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước dẫn tới nhiều hộ gia đình mang nặng tính trông chờ ỷ lại, có suy nghĩ sinh nhiều con để được hưởng nhiều nguồn hỗ trợ hơn nữa.

Bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Muốn có nhiều con trong một gia đình và có con trai để nối dõi tông đường cùng với nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Với tỷ lệ sinh con thứ ba cao như vậy nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là đời sống của những gia đình đó cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất là sức khỏe của bà mẹ và những đứa trẻ; đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở mức cao. Tỷ lệ sinh con thứ ba cao cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện.

Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Mường Nhé, yếu tố quyết định nhất hiện nay là cần có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở để vận động Nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình./.
 

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.