Noong Luống phát huy thế mạnh cán đích nông thôn mới

Thứ Bảy, 16/02/2019, 16:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2018, cấp ủy, chính quyền xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên đã vận động Nhân dân tích cực phát huy thế mạnh trong sản xuất để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.  Phát triển mô hình sản xuất nông sản sạch, tìm cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của người dân xã Noong Luống dần được nâng lên, góp phần giúp địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xã Noong luống, huyện Điện Biên là xã thuần nông có diện tích tự nhiên trên 21 nghìn ha, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1/9 diện tích tự nhiên của toàn xã. Đất canh tác ít, thường ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào vụ chiêm nên sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục điều kiện khó khăn, nâng cao thu nhập, hoàn thiện tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, bà con nông dân ở đây đã không ngừng học hỏi, đa dạng hóa các loại cây trồng, ứng dụng phương pháp mới vào sản xuất, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.

1
Noong Luống được đánh giá có nhiều khó khăn hơn so với các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên khi thực hiện chương trình XDNTM

 

Xã Noong Luống có hơn 1600 hộ dân thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khắc phục khó khăn về điệu kiện sản xuất, bà con nông dân Noong Luống đã chuyển đổi diện tích trồng lúa thường xuyên bị ngập úng sang trồng ngô, trồng cây rau màu và cây ăn quả. Đến nay bà con nông dân Noong Luống đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng rau màu và cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cây rau màu có thời vụ ngắn, chỉ từ 40 - 50 ngày/1 lứa, mỗi năm trên khu vực đất bãi ven sông Nậm Rốm, bà con nông dân Noong Luống có thể trồng được 2 vụ rau và 1 vụ ngô. Đây là biện pháp để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Theo người dân Noong Luống cứ 1.000m2 rau màu, mỗi năm người dân ở đây có thể thu được từ 15 - 20 triệu đồng trừ chi phí.

Không ngừng tìm các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao mà giảm công chi phí, giảm sức lao động vào sản xuất, bên cạnh trồng cây rau màu gần đây bà con nông dân Noong Luống còn đưa cây sâm đương quy vào trồng trên đất bãi. Từ năm 2016 đến nay, một số hộ gia đình đội 18, xã Noong Luống đã học cách trồng cây sâm đương quy trên đất bãi. Loại cây thảo dược này tương đối dễ trồng, lại là vị thuốc được dân gian được coi như “thập toàn đại bổ”, nên có giá trị kinh tế cao.

Bà Trần Thị Thủy – Đội 18 - xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết: Năm ngoái nhà tôi trồng thí điểm 600m, năm ngoái thu được 8 tạ rưỡi củ, giá 20 nghìn 1 kg mà họ đầu tư hết cho mình, họ đến hướng dẫn cho mình. Cái này lúc bé thì phải tưới nhiều, hai ba ngày tưới 1 lần, nhưng lúc lớn thì không phải tưới nhiều, cây to nửa tháng mới tưới 1 lần. Cây này dễ lên, nó thích rét. Thường thường tháng 8, tháng 9 âm lịch họ cho hạt trồng, tháng tư là thu, mùa mưa để sợ nó bị thối nên phải thu sớm. 

Cây sâm đương quy có thời gian sinh trưởng từ 8 đến 9 tháng, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ nhưng thu nhập tương đương với cây rau màu. Theo người dân Noong Luống, cây dược liệu này đưa vào sản xuất có khá nhiều ưu điểm. Hơn nữa, sâm đương quy được trồng theo hình thức liên kết sản xuất, do công ty cổ phần Dược vật tư y tế Khải Hà bao tiêu, giá cả và đầu ra luôn ổn định. Đây là hướng đi mới cho bà con nông dân Noong Luống.

Bà Trần Thị Lê – Khuyến nông viên xã Noong Luống – huyện Điện Biên cho biết: Cây sâm đương quy một năm chỉ trồng được 1 vụ thôi, cây rau màu trồng từ 2 đến 3 vụ/năm, thế nhưng tổng thu nhập gần như tương đương, thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/1000 mét vuông. Theo chúng tôi thấy thì cây đương quy thu nhập tương đương nhưng giảm công lao động so với trồng cây rau màu, công làm cỏ không mất nhiều như cây rau màu, hơn nữa thu hoạch thì thu hoạch 1 lần và được bao tiêu sản phẩm nên thuận lợi hơn.

Tích cực tìm cây trồng mới canh tác trên đất bãi, người dân Noong Luống cũng tích cực cải tạo vườn tạp, tìm các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao trồng trên đất vườn. Gia đình bà Trần Thị Lẽ, đội 18, xã Noong Luống có 700m2 đất vườn. Trồng rau màu vụ nọ nối vụ kia, khu vườn này từng cho gia đình bà thu nhập khá, nhưng chi phí cho giống, phân bón và công lao động mất nhiều.

Để giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào hiệu quả kinh tế cao hơn, bà Lẽ đã chuyển đổi một phần diện tích trồng rau của gia đình sang trồng cây thanh long. Cây thanh long không kén đất, ít sâu bệnh. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ sau hơn 1 năm thì cây ra hoa, kết trái và cho thu hoạch. Hiện gia đình bà Lẽ trồng được 500 gốc thanh long, mỗi vụ bà thu được khoảng 4 tấn quả. Quả thanh long ngọt mát, không dùng hóa chất bảo vệ luôn được thị trường ưa chuộng.

Giá thanh long chính vụ tại các chợ đầu mối của Điện Biên hiện nay từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng thanh long trái vụ có thể lên tới 45.000 đồng/1kg. Với 500m2 trồng loại cây ăn trái này, gia đình bà Lẽ thu về trên 60 triệu đồng mỗi vụ trừ chi phí. Muốn có thu nhập cao hơn từ loại cây trồng này, gia đình bà Lẽ đang học cách cho thanh long ra quả trái mùa.
   

1
Phát huy thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, vẫn là biện pháp quan trọng để xã Noong Luống vươn lên thoát nghèo xây dựng Nông thôn mới

 

 Xác định công tác xóa đói giảm nghèo có vai trò quan trọng trong chương trình XDNTM, trong 5 năm gần đây cấp ủy, chính quyền cùng bà con nhân dân Noong Luống đã tích cực vận động khắc phục điều kiện khó khăn, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Kết quả cho sự phấn đấu này, hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng/người/năm.

Thu nhập của người dân được nâng lên, Nhân dân cũng nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới đóng góp cho lợi ích chung. Nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính tinh thần lao động cần cù, người dân Noong Luống đang từng ngày xây dựng diện mạo, đời sống nông thôn khang trang, no ấm. Theo rà soát kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới cuối năm 2018, Noong Luống đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Bước sang năm 2019 xã còn 3 nội dung đang tiếp tục được hoàn thiện, đó là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 9 về nhà tạm dột nát và tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Tin rằng với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Noong Luống, xã sẽ hoàn thành trọn vẹn 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2019. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm cán đích nông thôn mới không thể thiếu chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Lò Văn Pọm – Chủ tịch UBND xã Noong Luống – huyện Điện Biên cho biết: Sau khi về đích nông thôn mới thì mỗi xã có một sản phẩm chủ lực của xã, xã chúng tôi đã đăng kí là sản phẩm rau an toàn, chúng tôi cũng đã thực hiện chuỗi liên kết, giao cho HTX rau an toàn đội 18 thực hiện. Noong Luống có khoảng 30 ha sản xuất rau an toàn cung cấp ra thị trường. Bà con khu bãi màu cũng có kinh nghiệm rồi. Vừa rồi có sự hỗ trợ bên chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hàng năm triển khai mô hình rau an toàn VietGAP, đã 3 năm liên tục nên bà con càng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rau an toàn

Noong Luống được đánh giá có nhiều khó khăn hơn so với các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên khi thực hiện chương trình XDNTM, tuy nhiên với nỗ lực vươn lên và tinh thần đóng góp của người dân địa phương, xã đã dần hoàn thành những tiêu chí khó. Xây dựng nông thôn mới chậm nhưng chắc là phương châm Noong Luống thực hiện trong suốt những năm vừa qua. Phát huy thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, vẫn là biện pháp quan trọng để xã duy trì các kết quả đạt được, đồng thời phấn đấu hoàn thiện các nội dung còn lại.

                                                                

 

 

Minh Giang – Minh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.