Mường Nhé hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nghèo bền vững

Thứ Bảy, 17/11/2018, 15:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, huyện Mường Nhé đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,  giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo được bền vững vẫn đang là một thách thức không nhỏ đối với huyện vùng cao, biên giới này.

Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn với khoảng hơn 41 nghìn dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 98%. Những năm qua, nguồn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo của huyện đã đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các nguồn hỗ trợ này đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Là một trong những hộ được hưởng lợi trực tiếp nguồn dự án giảm nghèo để phát triển kinh tế, ông Khoàng Văn Phánh, ở bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé cho biết: Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của bản. Được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện, ông đã sử dụng một cách có hiệu quả. Lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông chăn nuôi gia cầm, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả rồi đào ao nuôi cá. Bằng sự cần cù, chịu khó, từ chỗ chỉ có vài trăm m2 ao đến nay, gia đình ông đã có 1 ha ao nuôi cá, gần 2ha vườn đồi trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.

1
Năm 2018, xã Sín Thầu phấn đấu về đích nông thôn mới, diện mạo xã từng bước thay đổi

 

Năm 2018, xã Sín Thầu phấn đấu về đích nông thôn mới, mục tiêu xã đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 30% và nâng mức thu nhập lên 32 triệu đồng/người/năm. Để hoàn thành các tiêu chí và mục tiêu đề ra, trong thời gian qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Sín Thầu đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng. Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng, đồng thời triển khai kịp thời các dự án hỗ trợ người dân trong việc phát triển sản xuất, qua đó đã góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
 
Để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cùng với sự quyết tâm và đầu tư tích cực, huyện Mường Nhé đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Trước hết, huyện đôn đốc các xã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển sản xuất, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; giao chỉ tiêu cụ thể giảm nghèo cho các xã; đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội và giảm nghèo của các xã nghèo.

Trong đó, huyện tập trung vào các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hàng năm tại các xã này. Đồng thời, huyện ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau’’ giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, Mường Nhé tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng và triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, nhóm các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập được địa phương quan tâm thực hiện.

1
Nhờ Hội Nông dân huyện Mường Nhé tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia đình ông Khoàng Văn Phánh, bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Ông Phánh chăm sóc vườn cam

 
Từ năm 2016 đến nay, từ nhiều nguồn vốn thực hiện công tác giảm nghèo bền vững như: Vốn Trung ương bố trí trực tiếp cho chương trình giảm nghèo (Chương trình 30a, 135); vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn Đề án 79; vốn ngân sách địa phương tự cân đối..vv, huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo các địa phương trên địa bàn giảm nghèo bền vững.

Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 2.200 hộ, nhóm hộ hơn 760 con trâu, bò sinh sản, gần 28 nghìn con gia cầm giống với kinh phí thực hiện trên 19 tỷ đồng; hơn 260 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở với nguồn vốn thực hiện 6,5 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tín dụng về ưu đãi có hơn 7.300 lượt hộ nghèo được vay vốn hàng năm với nguồn vốn cho vay hơn 208 tỷ đồng.

Toàn huyện đã thực hiện hàng chục mô hình khuyến nông, khuyến lâm; triển khai các dự án phát triển sản xuất hàng hóa, đó là cây cao su, cây mắc ca và trồng rừng sản xuất. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, bước đầu hình thành những vùng sản xuất chuyên canh.

Đặc biệt, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, người nghèo Mường Nhé ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng..vv.. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện đã đầu tư hơn 175 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.

Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đã góp phần đạt được các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo các xã, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 qua các năm giảm dần; thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống Nhân dân được cải thiện, duy trì ổn định số học sinh đến trường. Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua các năm: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là gần 74%; năm 2017 giảm xuống còn 71%, dự kiến năm 2018 giảm xuống 67%.
 
Tuy nhiên, thực tế công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé đang gặp nhiều khó khăn. Việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết phát triển sản xuất ở một số xã duy trì không hiệu quả. Công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mặc dũ đã được các cấp ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên kế hoạch sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn hạn chế.

 1
Nhờ được hỗ trợ một con bò sinh sản theo chính sách hỗ trợ sản xuất của Nghị quyết 30a đã giúp gia đình anh Lò Văn Hương, bản Nà Pán, xã Mường Nhé có điều kiện vươn lên thoát nghèo

 

Một số địa phương triển khai đầu tư mô hình chưa đúng trọng tâm, còn manh mún và giàn trải, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng phát triển của từng địa phương, còn lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất cũng như việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp.

Vẫn còn một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại, trình độ sản xuất còn hạn chế, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cây con giống có chất lượng cao. Hơn nữa, hiện toàn huyện có tới 32 điểm bản sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79 với hơn 1.300 hộ dân, nhưng việc giao đất sản xuất cho các hộ dân thực hiện chậm nên nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất, vì vậy nguy cơ tái nghèo ở đây rất cao.
 
Thời gian tới, để công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có hiệu quả theo mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra trong giai đoạn 2016-2020, Mường Nhé tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các mô hình kinh tế. Nhất là các mô hình đã phát huy hiệu quả, làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự lan toả để nhân rộng các mô hình đã khảo nghiệm có hiệu quả.

Phát huy tiềm năng lợi thế và đặc điểm đặc thù của các xã trên địa bàn huyện để phát triển các loại cây, con vừa có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập để đảm bảo đời sống cho Nhân dân một cách đầy đủ. Đồng thời, gắn với việc quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng theo Nghị quyết 30a, Đề án 79 với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó là khuyến khích các hộ gia đình nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình, dự án và các chính sách ưu đãi phát triển, ổn định sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 đến 5%./.
 

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.