Dự án hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ sẽ hoạt động vào cuối tháng 8/2018

Thứ Ba, 17/07/2018, 15:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV.

Hiện nay, nước thải sinh hoạt gần như chưa được xử lý mà xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, trong khi đó hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố Điện Biên Phủ đã được đầu tư xây dựng năm 2016 đến nay vẫn chưa hoạt động. Vậy đến thời gian nào thì nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý theo đúng quy chuẩn trước khi xả ra môi trường? - Đây là câu hỏi chất vấn của Đại biểu HĐND Mùa Thanh Sơn.

Trả lời về nội dung này, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải do thành phố Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư đã hoàn thành phần mạng lưới thoát nước chính của dự án; cơ bản hoàn thành việc đấu nối tuyến ống dịch vụ vào các hộ gia đình trong phạm vi của dự án, thu gom được khoảng 60% nước thải sinh hoạt về hệ thống thu gom chung; hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị cho 6 trạm bơm dâng trên tuyến cùng 3 giếng tách; hoàn thành toàn bộ phần xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các hạng mục chính và các hạng mục phụ trợ của Nhà máy xử lý nước thải; hoàn thành toàn bộ phần lắp điện động lực cho nhà máy xử lý nước thải và hoàn thành lắp đặt, cấp điểm đấu nối cho trạm biến áp trong Nhà máy. Hiện tại, dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình hiệu chỉnh chuẩn bị cho công tác vận hành chạy thử, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Dự án dự kiến hoàn thiện và đi vào hoạt động cuối tháng 8 năm 2018 và bàn giao cho UBND thành phố Điện Biên Phủ chủ sở hữu, quản lý. 

d
Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời chất vấn

 

Cũng về nội dung trên, đại biểu trăn trở: Trên địa bàn thành phố hiện nay đã thu gom được bao nhiêu phần trăm nước thải sinh hoạt về hệ thống thu gom chung? Theo quy hoạch phát triển hệ thống đô thị thì đến năm 2020 tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đạt 60%, giải pháp nào để đảm bảo đạt chỉ tiêu này? Trả lời về nội dung này, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện nay đã thu gom được 60% nước thải sinh hoạt về hệ thống thu gom chung. Giải pháp để đảm bảo đạt tiêu chí đến năm 2020 tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đạt 60% gồm: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện đã được ƯBND tỉnh phê duỵệt tại Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 phê duyệt Đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020. về trách nhiệm đề xuất để đảm bảo 100% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn: Theo Quy định tại Điều 12, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Sở Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn tỉnh đề xuất để đảm bảo 100% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phí bảo vệ môi trường được sử dụng như thế nào?

Đại biểu cũng băn khoăn: Số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hiện nay đang được chi sử dụng như thế nào? Vấn đề này, ông Bùi Châu Tuấn lý giải: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang tiến hành thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Việc triên khai thu phí nước thải sinh hoạt do đơn vị cung cấp nước sạch hoặc UBND xã, phường, thị trấn thực hiện. Sau 6 năm thực hiện thu phí, với đặc thù của tỉnh, cơ bản mới triển khai thu phí nước thải sinh hoạt đối với nguồn nước do Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên cung cấp; số tiền thu được năm 2017 hơn 1,6 tỷ đồng; dự kiến năm 2018 thu được khoảng 3 tỷ đồng, số tiền thu được để lại cho đơn vị thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí là 35%, nộp ngân sách nhà nước là 65% theo quy định.

Việc thu phí nước thải công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai. Hàng năm, Sở đã tiến hành rà soát, tổ chức thu phí của 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phát sinh nước thải công nghiệp; số tiền thu được năm 2017 là trên 300 triệu đồng, dự kiến thu năm 2018 khoảng 320 triệu đồng. Số tiền thu được để lại cho đơn vị thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí là 25%, nộp ngân sách nhà nước là 75% theo quy định.

Số tiền nộp vào ngân sách địa phương nêu trên được sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải theo quy định hiện hành.

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn


 

.