Điện Biên: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38,1%

Thứ Tư, 17/01/2018, 14:03 [GMT+7]

Điện Biên TV – Sáng ngày 17/01, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Mùa A Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban ngành tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại Điện Biên.
Toàn cảnh Hội nghị tại Điện Biên.

 

Với phương châm chỉ đạo “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”, năm 2017 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực; sâu sát, cụ thể đến từng khâu, từng công đoạn, từng địa bàn, từng đối tượng; đặc biệt là tập trung cho các khâu đột khá về hoàn thiện thể chế, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và cải cách hành chính. Đồng thời có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, cụ thể: quý I/2017 là 2,30%, quý II/2017 là 2,26, quý III là 2,23%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng nhanh. Tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá hoạt động, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhân lực của cả nước, các ngành và các địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tính đến nay, cả nước có trên 1.970 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 388 trường Cao đẳng, trên 500 trường trung cấp và trên 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công”... tiếp tục được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của người có công với cách mạng. Trong năm huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa được gần 800 tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương thu được 3,8 tỷ. Hỗ trợ gần 650 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp mộ liệt sỹ, các công trình nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ đảm bảo khang trang, có ý nghĩa giáo dục thiết thực. Rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể hồ sơ người có công còn tồn đọng với trên 5.900 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhạn 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công. Những hoạt động thiết thực có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn.

Trong lĩnh vực xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Hoàn thành việc rà soát, đánh giá kết quả giảm nghèo năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,35% so với năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đề án trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật; phát huy tốt vai trò của người cao tuổi, hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng, học nghề, tạo việc làm. Các chương trình bảo vệ trẻ em và công tác bình đẳng giới đạt kết quả tích cực như khai trương tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em có đầu số 111 hoạt động 24/7; số lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm khoảng 48% tổng số lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam/nữ là 0,92 – gần tiệm cận mức bình đẳng.

Đối với tỉnh Điện Biên, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ về lao động, việc làm. Tổ chức thành công Ngày hội việc làm tỉnh Điện Biên lần thứ 2, có 24 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 42.000 lao động (trong đó có 9 đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng 7.900 lao động); tổ chức 03 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thu thập, cập nhật ghi chép thông tin cơ sở dữ liệu cung cầu lao động cho trên 213 đại biểu cấp huyện, xã; 03 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và tuyên truyền viên cơ sở năm 2017 cho 210 đại biểu cấp huyện, xã, thôn bản; tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho trên 150 đại biểu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người sử dụng lao động, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2017, ngoài duy trì việc làm thường xuyên cho gần 310.000 lao động, còn giải quyết việc làm mới cho trên 9.000 lao động. Trong đó: thông qua vay vốn hỗ trợ việc làm 900 người, xuất khẩu lao động 30 người, tuyển dụng đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh 500 người, tuyển dụng vào cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước, Đảng, đoàn thể 400 lao động, tuyển dụng vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh 4.155 lao động, số lao động nông thôn tự tạo việc làm sau khi học nghề trên 3.000 lao động. Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,94% (giảm 0,12% so với năm 2016).

Chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho 16.418 người có công trên địa bàn, công tác thẩm định hồ sơ đối với người có công với cách mạng luôn được thực hiện đúng quy định. Tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cấp phát 2.395 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng. Xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi người có công cho 240 đối tượng. 130/130 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh liệt sỹ và người có công với cách mạng; xây mới 18 nhà, sửa chữa 11 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, kinh phí thực hiện 930 triệu đồng; tiếp tục vận động kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình giảm nghèo trên địa bàn, hiện nay tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 52.313 hộ, giảm 2.410 hộ so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 41,64%, giảm 3,18% so với năm 2016; số hộ nghèo tại các huyện nghèo còn 30.957 hộ, giảm 1.310 hộ so với thực hiện năm 2016.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai và hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, tăng cường công tác phòng chống tệ nạn xã hội, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới bảo đảm sự bình đẳng cho phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội và gia đình. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phấn đấu số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 48.883 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 38,1%; số hộ cận nghèo 8.673 hộ, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 6.74 %. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, phấn đấu có 100% hộ gia đình người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú; duy trì 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Phấn đấu trên 96% những người thuộc diện chính sách xã hội được hưởng chính sách an sinh xã hội; thực hiện kịp thời chính sách cứu trợ đột xuất trên địa bàn./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.