Trả lời một số kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, thứ 5 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV (Kỳ 3)

Thứ Năm, 16/11/2017, 18:30 [GMT+7]

Điện Biên TV – Sau khi nhân được Báo cáo kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của HĐND tỉnh khóa XIV. UBND tỉnh  Điện Biên đã giao các Sở, ngành, địa phương xem xét giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Dienbientv.vn xin đăng tải nội dung trả lời những kiến nghị của cử tri. (Kỳ 3 - Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Mường Ảng, TP Điện Biên Phủ và huyện Nậm Pồ)

(Tiếp theo)

II. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa XIV.
1. Cử tri thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng kiến nghị

*Quốc lộ 279 đoạn từ cuối đường đôi thị trấn Mường Ảng (tổ dân phố 10) đến biển báo hết thị trấn Mường Ảng chưa có hệ thống thoát nước, nhân dân khu vực này đang phải sử dụng rãnh thoát nước tạm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng bố trí vốn để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Đoạn từ cuối đường đôi thị trấn Mường Ảng (tổ dân phố 10) đến biển báo hết thị trấn Mường Ảng thuộc Quốc lộ 279 thuộc phạm vi quản lý của Chi cục quản lý đường bộ I.2, Cục quản lý đường bộ I của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải tiếp thu và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; theo đó ngày 10/7/2017, Sở Giao thông vận tải đã có Văn bản số 1203/SGTVT-KT&QLGT gửi Cục quản lý đường bộ I, Chi cục quản lý đường bộ I.2 và Công ty cổ phần đường bộ 226 về việc giải quyết kiến nghị của cử tri thị trấn Mường Ảng. Chi cục quản lý đường bộ I.2 đã có văn bản số 258/CV-CCQLĐBI.2 ngày 11/7/2017 gửi Ban Quản lý dự án 4 đề nghị bổ sung rãnh thoát nước tại bên phải tuyến đoạn từ Km34+620 - Km34+800 và bên trái tuyến đoạn từ Km34+700 - Km35 theo kiến nghị của cử tri thị trấn Mường Ẳng, huyện Mường Ảng trong năm 2017 và năm 2018. Khi được bố trí vốn sẽ triển khai thực hiện.

*Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh quy định mỗi tổ dân phố bố trí 01 tổ bảo vệ gồm 03 người (Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố hưởng mức phụ cấp hệ số 0,4 lần mức lương cơ sở; tổ viên hưởng mức 0,3 lần mức lương cơ sở) số lượng này là quá đông, trong khi phụ cấp thấp. Đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm số lượng tổ viên tổ bảo vệ dân phố và tăng mức phụ cấp cho tổ viên tổ bảo vệ. 

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố. Việc chi trả chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố và các chi hội kinh phí chủ yếu nguồn cân đối từ NSTW hỗ trợ bằng 2/3 hệ số mức lương cơ sở. Việc quy định mỗi tổ bảo vệ dân phố không quá 3 người là thực hiện đảm bảo phù hợp theo quy định của Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố.

Theo quy định mức phụ cấp của tổ viên tổ bảo vệ dân phố (0,3 hệ số so với mức lương cơ sở) hiện nay là thấp vì số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh có số lượng lớn, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 2/3 mức lương cơ sở, ngân sách địa phương không thể cân đối. Do vậy không thể tính toán để quy định mức phụ cấp cao hơn cho chức danh tổ viên tổ bảo vệ dân phố. Thời gian tới, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các Văn bản của Chính phủ; tỉnh sẽ quy định áp dụng mức khoán chi phụ cấp cho người lao động không chuyên trách ở xã, thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có chức danh tổ viên tổ bảo vệ dân phố.

2. Cử tri thành phố Điện Biên phủ kiến nghị

*Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, vận dụng mở rộng địa bàn được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/ĐN-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP, trong đó có xã Tà Lèng thuộc địa bàn thành Phố Điện Biên Phủ, nhằm khuyến khích người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Điều kiện để diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là khu rừng đó phải có cung cấp một hay nhiều dịch vụ môi trường rừng, đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng (được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao trách nhiệm quản lý rừng,...) theo quy định của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR.

Như vậy, chính sách chi trả DVMTR quy định bên sử dụng DVMTR phải trả tiền cho bên cung ứng DVMTR. Do đó, đối với những diện tích đã là rừng (hiện người dân, cộng đồng đang quản lý bảo vệ) thuộc các địa bàn, khu vực trên địa bàn tỉnh không có cung ứng một hay nhiều DVMTR trên hoặc ở khu vực có rừng nhưng không có đối tượng sử dụng DVMTR như: Các nhà máy nước, nhà máy Thủy điện,… thì không thuộc đối tượng được hưởng lợi từ việc chi trả DVMTR theo chính sách quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Chính vì vậy, Sở Nông Nghiệp và PTNT không có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh xem xét mở rộng địa bàn được hưởng lợi từ việc chi trả DVMTR ra các khu vực khác không có cung ứng DVMTR (trong đó có xã Tà Lèng, thành phố Điện Biên Phủ).

*Tại Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 về việc Ban hành mức suất đầu tư hỗ trợ phát triển rừng và bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên quy định chính sách hỗ trợ trồng rừng cho người dân hiện nay là 15 triệu đồng/ha là thấp so với chi phí thực tế, đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nâng mức hỗ trợ nhằm khuyến khích nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Mức hỗ trợ trồng rừng 15 triệu đồng/ha/4 năm được UBND tỉnh Điện Biên ban hành tại Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 chỉ áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2016, chính sách đối với trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được nâng lên theo các chính sách của Chính phủ ban hành, cụ thể: tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ ban hành về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; đơn giá trồng rừng phòng hộ theo chính sách này khoảng 60 triệu đồng/ha/4năm (đơn giá cụ thể theo thiết kế - dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên khu vực trồng rừng); đối tượng áp dụng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II và III.

Đối với các xã không thuộc đối tượng của Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ thì thực hiện trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp; đơn giá trồng rừng phòng hộ 30 triệu đồng/ha/4 năm, đơn giá cụ thể được xây dựng tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên khu vực trồng rừng.

3. Cử tri xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ kiến nghị

*Hiện nay, cột thu phát sóng điện thoại di động ở đầu bản Pa Tần đang gần khu dân cư, khi mất điện, máy nổ phục vụ cột thu phát sóng rất ồn, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân trong bản. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Viễn thông Điện Biên xem xét di chuyển cột thu phát sóng cách xa khu dân cư và lên vị trí cao hơn.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Viễn thông Điện Biên giải trình; lập phương án triển khai. Viễn thông Điện Biên đã báo cáo Tập đoàn VNPT và tiến hành nhiều đợt khảo sát vị trí để di chuyển trạm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do khu vực xã bị chia cắt rất phức tạp, đồi núi rất cao và hiểm trở, dân cư phân tán, điều kiện về hạ tầng điện và đường còn rất khó khăn; nếu di chuyển sang vị trí khác sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành khai thác cũng như hoạt động ổn định của trạm và chất lượng dịch vụ.

Viễn thông Điện Biên sẽ thay thế máy phát điện có vỏ giảm âm siêu chống ồn, đảm bảo theo yêu cầu của cử tri xã và có phương án vận hành theo thời gian ban ngày, đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của nhân dân quanh khu vực, đồng thời Viễn thông Điện Biên đang thực hiện khảo sát, xây dựng thêm một vị trí trạm BTS tại địa bàn xã để nâng cao chất lượng phục vụ của nhà mạng

(Còn tiếp)

 

BBT/Dienbientv.vn
 

.