Công tác phòng cháy chữa cháy: Chủ động không thừa!

Thứ Sáu, 14/04/2017, 17:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, toàn quốc xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, cháy lớn tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng con người và tài sản. Điều này cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy luôn là vấn đề thường trực, đòi hỏi các cấp, ngành và người dân không thể chủ quan, buông lỏng.

x
Các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ Trung tâm I tự trang bị bình chữa cháy cá nhân

Có mặt tại Chợ Trung tâm I (TP. Điện Biên Phủ), chúng tôi cảm thấy lo lắng vì ở đây bày bán nhiều sản phẩm, hàng hóa rất dễ bắt lửa; nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn những vật liệu này rất khó để dập tắt, dẫn đến hậu quả khôn lường. Chúng tôi đến gặp ông Đỗ Quang Đức, Phó ban Quản lý chợ Trung tâm I để tìm câu trả lời cho những băn khoăn, lo lắng trên. Với kinh nghiệm gần 10 năm quản lý chợ, ông Đức nhấn mạnh: Để hạn chế cháy, hỏa hoạn, công tác phòng chống phải đặt lên hàng đầu, đừng để đến khi xảy ra sự cố mới lo chữa cháy thì cũng vô ích. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng rất cần sự chung tay góp sức chủ động phòng chống cháy nổ của các hộ kinh doanh, các tiểu thương. Chợ Trung tâm I hiện có gần 200 gian hàng, ki ốt bày bán đầy đủ các loại hàng hóa (trừ một số loại thực phẩm tươi sống như: cá, rau, thịt); trong đó chủ yếu là quần áo, vải, đồ khô… đều dễ cháy. Phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, Chợ Trung tâm I được trang bị 20 bình chữa cháy loại nhỏ, 3 bình chữa cháy loại to, 2 thang tre và 2 téc chứa nước (loại 3m3 và 4m3). Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ cho công tác phòng chống cháy nổ, chợ vẫn còn thiếu còi báo cháy, máy bơm. Để lực lượng chức năng dễ dàng tiếp cận địa điểm xảy ra hỏa hoạn, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh dẹp bỏ mái che, mái vẩy, hàng hóa lấn chiếm hành lang, tạo hành lang hè thoáng khi xảy ra sự cố. Được biết, nhiều vụ xảy ra hỏa hoạn do chập điện, mới đây, chợ đã thay thế đường dây điện, lắp đặt thiết bị điện đảm bảo chất lượng cho 55 ki ốt để góp phần hạn chế cháy nổ xảy ra trong chợ. Với những việc làm đó, mấy năm nay, chợ Trung tâm I không xảy ra hỏa hoạn, góp phần đảm bảo an toàn cho tính mạng con người và tài sản trong khu chợ.

Chị Bùi Thị Liên, chủ quầy bán thịt lợn tại chợ Mường Thanh cho biết: Trong khu chợ Mường Thanh có nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng hệ thống bếp ga, lò than, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, hỏa hoạn. Bên cạnh còn bày bán quần áo, giày dép… chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể xảy ra hỏa hoạn. Năm 2016, chợ Mường Thanh cũng xảy ra 2 vụ hỏa hoạn được xác định là do chập điện, song được phát hiện sớm nên không thiệt hại nhiều về tài sản. Vì vậy, mỗi hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy như: không thắp hương bằng đèn dầu, nến; cẩn thận, cách ly khu nấu ăn với hàng hóa dễ cháy; khắc phục hệ thống điện đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định… Nếu chấp hành và làm theo những việc làm đó tức là các tiểu thương, hộ kinh doanh đang bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của chính mình.
Thiếu tá Đặng Trọng Tùng, Đội trưởng Đội hướng dẫn kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy, Phòng Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 chợ lớn, 15 trung tâm thương mại và trên 50 cửa hàng xăng dầu; đây là những điểm “nóng”, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy như: bể nước chữa cháy, máy bơm phục vụ chữa cháy còn thiếu; hệ thống điện lại chưa đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn quy định gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy của đơn vị. Để đảm bảo an toàn, chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, ngay từ đầu năm, Đội đã triển khai ký cam kết phòng cháy chữa cháy cho các hộ kinh doanh, tiểu thương tại các khu chợ, trung tâm thương mại... tăng cường công tác kiểm tra hệ thống điện, bình chữa cháy cá nhân tại các hộ kinh doanh. Thường xuyên tuyên truyền về Luật Phòng chống cháy nổ trên hệ thống loa phát thanh; các phương tiện thông tấn báo chí. Đồng thời đề nghị các cấp ngành địa phương chú trọng củng cố các tổ phòng cháy chữa cháy tại cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm, đơn vị còn phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, kiến thức phòng cháy chữa cháy, sử dụng bình chữa cháy cho người dân.

Tuy nhiên, việc phòng cháy chữa cháy không chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà bản thân mỗi tiểu thương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và cá nhân phải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng chống cháy nổ, nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản./.

 

Quang Hưng

 

.