UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Mường Nhé

Thứ Hai, 08/08/2016, 18:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử, Đài PT - TH tỉnh tiếp tục đăng tải UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các huyện: Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Mường Nhé.

3. Cử tri huyện Điện Biên Đông

3.1 Cử tri xã Noong U:

- Cử tri bản Dư O: Vào mùa thu hoạch nông sản do đường xá đi lại khó khăn nên bà con nông dân không bán được sản phẩm làm ra. Đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tu sửa, nâng cấp các tuyến đường từ xã lên huyện và đường liên thôn, bản để nhân dân đi lại bớt khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Xã Noong U huyện Điện Biên Đông là một trong những xã có đường giao thông đi lại thuận tiện hơn so với các xã khác trên địa bàn huyện, hiện xã đã có 01 trục đường chính là tuyến Na Sang - Nong U đã được nâng cấp giải nhựa, 02 tuyến còn lại đó là: Nong U - Na Son, Nong U - Pú Nhi đã được giải cấp phối, 12/13 bản đã có đường bê tông nội bản, 01 đường bê tông vào khu sản xuất. Hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Điện Biên Đông thực hiện công tác đảm bảo giao thông thông suốt, ô tô đi được trong cả 2 mùa. Đối với các các tuyến đường liên bản, đường nội bản UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo UBND xã tuyên truyền, vận động nhân dân khơi thông cống rãnh, phát quang tuyến, hót sụt sạt... do vậy cũng đã đảm bảo được giao thông các tuyến đường liên bản, đường nội bản. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn 01 bản Tà Té A là chưa có đường nội bản, nhưng đã bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2016. Việc cử tri mong muốn được nâng cấp, cải tạo các tuyến đường để đi lại thuận tiện hơn là chính đáng, nhưng do nguồn lực đầu tư còn hạn chế phải thực hiện sắp xếp đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Đề nghị cử tri, cần tích cực phối hợp với chính quyền, đóng góp công sức để sửa chữa thường xuyên các tuyến đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, để cải thiện điều kiện giao thông trên địa bàn xã.

- Cử tri bản Tìa Ló: Đề nghị UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ mất trộm trâu năm 2008 tại bản Tìa Ló, sự việc kéo dài nhiều năm, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa giải quyết, khiến bà con dân bản rất bức xúc.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo xác minh điều kiện thi hành án của Vũ Văn Tuân và Nguyễn Văn Dương. Từ ngày 18/6/2015 đến ngày 20/11/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo Chi Cục thi hành án dân sự thành phố Điện Biên Phủ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự Vũ Văn Tuân và Nguyễn Văn Dương 03 lần  cùng với đại diện của 02 gia đình người được thi hành án là Vừ A Kỳ (con ông Vừ Dúa Của) và Vừ A Cháy (con ông Vừ A Sá) đã đến nhà của Vũ Văn Tuân và Nguyễn Văn Dương để giải quyết việc thi hành án. Tuy nhiên, do hiện nay Vũ Văn Tuân mới ra tù đang ở nhờ nhà chị gái, bản thân Vũ Văn Tuân và Nguyễn Văn Dương không có công ăn việc làm ổn định, không có tài sản gì có giá trị. Do vậy thực tế hiện nay Vũ Văn Tuân và Nguyễn Văn Dương chưa có điều kiện thi hành án. Nếu các đương sự có điều kiện thi hành án sẽ hướng dẫn người được thi hành án có đơn yêu cầu và sẽ tổ chức thi hành dứt điểm.

- Tình hình buôn bán phụ nữ và buôn bán ma túy ở các bản trong xã Noong U rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đề nghị với UBND tỉnh có biện pháp khắc phục và xử lý các đối tượng vi phạm.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Trong những năm qua, tình hình tội phạm về ma túy và mua bán người trên địa bàn tỉnh còn diễn ra hết sức phức tạp, nhất là vùng đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Mông; trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm mua bán người theo từng giai đoạn và hàng năm; chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia, đồng thời chủ động xây dựng và triển khai nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình của từng địa bàn để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm này, liên tiếp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội  phạm.

Đã chỉ đạo tăng cường cán bộ xuống cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình hoạt động của các đối tượng, đường dây mua bán người, mua bán, vận chuyển các chất ma túy để xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá;

Để đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Điện Biên Đông nói riêng; UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện Điện Biên Đông, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không xuất cảnh trái phép, không tham gia vào tệ nạn xã hội, quan tâm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ổn định đời sống nhân dân. Tiếp tục rà soát, xác minh, lập phương án đấu tranh có hiệu quả với các ổ nhóm, đường dây hoạt động phạm tội về mua bán người trên địa bàn. Đề nghị cử tri nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm, tích cực thông tin, tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

3.2. Cử tri xã Chiềng Sơ kiến nghị:

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm việc tranh chấp đất đai giữa xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) và xã Pú Bẩu (huyện Sông Mã - tỉnh Sơn La).

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Ngày 21/12/2015, Đoàn công tác của 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La, cùng nhân dân các bản có liên quan đã đi khảo sát, đối chiếu hồ sơ, bản đồ ĐGHC với thực địa, tổ chức hiệp thương giải quyết điểm tranh chấp đất đai giữa 2 xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Đoàn công tác 2 tỉnh đã thảo luận và thống nhất phương án trình UBND 02 tỉnh Điện Biên, Sơn La xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngày 24/5/2016, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương về phương án giải quyết tranh chấp đất đại giữa 02 tỉnh và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Sơn La để thống nhất phương án trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới. Trong khi chờ Quyết định của Ủy ban nhân dân hai tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La, yêu cầu chính quyền các địa phương, nhân dân hai bên tại khu vực xảy ra tranh chấp thuộc hai tỉnh thực hiện nghiêm túc những ý kiến đã thống nhất tại biên bản được lập sau khi hiệp thương giữa hai đoàn công tác Điện Biên, Sơn La (trong đó, đã đề nghị hiệu chỉnh đường địa giới hành chính tại khu vực này về phía tỉnh Sơn La cho phù hợp với lịch sử quản lý trước đây và thực trạng sản xuất, canh tác của nhân dân) và nhân dân hai bên có liên quan để ổn định sản xuất, giữ gìn bảo đảm tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Hiện tại, cầu từ bản Kéo qua bản Pá Nặm nhỏ, yếu. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư cầu bê tông để nhân dân đi lại được thuận lợi, an toàn.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Cầu từ bản Kéo qua bản Pá Nậm có chiều dài 92 m, đã được đầu tư 01 cầu treo, hàng năm đều bố trí kinh phí để duy tu bản dưỡng, hiện tại vẫn đảm bảo khi tham gia giao thông qua cầu theo trọng tải quy định. Đây là cây cầu huyết mạch nối hai tuyến đường chính Phì Nhừ - Chiềng Sơ và tuyến Trại Bò - Sư Lư - Chiềng Sơ, giữa hai bản: Kéo và Pá Nậm nên lượng phương tiện (xe máy) và người qua cầu là rất lớn, xe ô tô không đi qua được; việc đầu tư cầu bê tông để thay thế cầu treo là cần thiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa có khả năng đầu tư kiên cố hóa; yêu cầu UBND huyện Điện Biên Đông giải thích rõ với cử tri của xã Chiềng Sơ, đồng thời rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, xem xét lại tính cấp thiết của các dự án để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp với khả năng cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giao cho huyện, giai đoạn 2016 - 2020.

4. Cử tri huyện Nậm Pồ

4.1 Cử tri xã Nà Bủng:

- Công trình thủy lợi kênh mương tưới tiêu tại Bản Ngải Thầu 2 chất lượng không đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, xử lý.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Công trình Thủy lợi bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé (nay là huyện Nậm Pồ) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho UBND huyện Nậm Pồ, từ tháng 3/2014 trên cơ sở tiếp nhận từ UBND huyện Mường Nhé. Hiện nay, công trình cơ bản đã thi công xong các hạng mục chính. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành chức năng cùng huyện Nậm Pồ kiểm tra thực tế công trình. Qua kiểm tra cho thấy do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết mưa nhiều đã gây sạt lở đồi núi làm hư hỏng một số vị trí đoạn kênh. Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công dỡ bỏ các đoạn kênh bị hư hỏng để làm lại. Hiện nay nhà thầu đã thực hiện xong công việc sửa chữa các đoạn kênh hư hỏng. Đại diện Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, đại diện UBND xã Nà Bủng đã kiểm tra và đánh giá đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đến nay, Chủ đầu tư yêu đã cầu nhà thầu hoàn thiện các hồ sơ thủ tục còn lại của dự án trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.

- Việc Nhà nước hỗ trợ gạo cho học sinh nội trú là thiết thực và hiệu quả. Tuy nhiên do địa bàn xa, việc vận chuyển gạo vất vả, tốn kém, mặt khác gạo cung cấp cho học sinh là gạo cũ, kém chất lượng, giá lại cao hơn ở địa bàn. Đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương vận dụng việc hỗ trợ gạo bằng tiền cho học sinh để mua gạo tại chỗ, giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc hỗ trợ gạo cho học sinh bằng gạo dự trữ quốc gia đã được quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cho học sinh luôn có đủ gạo để ăn trong năm học. Cục dự trữ Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ xuất cấp gạo hỗ trợ và vận chuyển đến trung tâm các huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh được hỗ trợ.

Thực tế tại tỉnh Điện Biên, Cục dự trữ Nhà nước đã vận chuyển và giao gạo cho các trường dọc theo tuyến đường vận chuyển; các trường còn lại nhận gạo tại trường do phòng Giáo dục và Đào tạo vận chuyển đến từ trung tâm huyện. Kinh phí vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các trường đã được UBND tỉnh hỗ trợ.

Trong thời gian qua, gạo hỗ trợ cho học sinh tại tỉnh Điện Biên là gạo xuất từ kho Dự trữ quốc gia và được nhập ngay trong năm thực hiện hỗ trợ; gạo có nguồn gốc từ các tỉnh vùng đồng bằng, là gạo mới và chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của học sinh. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về chất lượng gạo, giúp cho học sinh an tâm học tập, phụ huynh học sinh hiểu rõ hơn về tính ưu việt trong chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh của Đảng và Nhà nước.

4. 2. Cử tri xã Si Pa Phìn:

- Hiện nay, trên địa bàn xã các biện pháp tránh thai như thuốc tiêm tránh thai và bao cao su không được cung cấp rộng rãi cho các đối tượng (chỉ cung cấp cho các hộ nghèo). Người dân chưa có thói quen mua, do đó ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ. Vì vậy, đề nghị ngành Y tế có giải pháp hỗ trợ, cung cấp rộng rãi cho các đối tượng tại những địa bàn có mức sinh cao.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về các chính sách DS-KHHGĐ, từng bước tạo thói quen cho nhân dân thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí gánh nặng của ngân sách Nhà nước; đồng thời tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế cung cấp đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch và cân đối nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ thêm cho công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Điện Biên.

- Từ năm 2002, thực hiện quyết định số 03/2002/QĐ-UB ngày 18/01/2002 của UBND tỉnh Lai Châu dân cư sở tại thuộc khu vực tái định cư mẫu tại xã Si Pa Phìn chưa được hưởng chính sách đền bù về đất đai như đối với dân tái định cư. Đề nghị UBND tỉnh Điện Biên nghiên cứu vận dụng chính sách hỗ trợ, đền bù tái định cư cho nhân dân khi nhà nước thu hồi đất trước đây.   

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo nội dung tại Báo cáo số 09/BC-UBND ngày 22/01/2016 của UBND huyện Mường Chà, đã thực hiện hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường đền bù theo đúng quy định. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Mường Chà khẩn trương thông báo chính thức bằng văn bản để các hộ dân được biết.

5. Cử tri huyện Mường Nhé

5.1 Cử tri bản Nậm San 2 xã Mường nhé:

Các hộ dân bản Nậm San 2 là dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La di chuyển vào (dân huyện Tủa chùa vào năm 2009; huyện Mường Chà năm 2010). Tuy nhiên, đến nay các hộ dân chưa có đất sản xuất, phải đi làm thuê trên đất của dân bản Nậm San 1, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đề nghị thống nhất ranh giới đất sản xuất giữa bản Nậm San 1 và bản Nậm San 2.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh đã có văn bản số 139/UBND-TH2 ngày 18/01/2016 về việc giao nhiệm vụ giải quyết và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khóa XIII, giao UBND huyện Mường Nhé kiểm tra trả lời và giải quyết kiến nghị của nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Mường Nhé chưa có báo cáo giải trình các nội dung có liên quan; UBND tỉnh yêu cầu, UBND huyện Mường Nhé nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương kiểm tra rà soát giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân để các hộ ổn định đời sống, yên tâm canh tác, sản xuất; báo cáo kết quả về HĐND tỉnh, UBND tỉnh trước ngày 20/8/2016.

- Đã 5 năm người dân bản Nậm San 2 không có đất ruộng để sản xuất ổn định chỉ có 1 ít đất nương (chủ yếu làm thuê đất cho bản Nậm San 1), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khai hoang, cải tạo đất để làm đất ruộng lúa cho người dân, hoặc chi tiền để người dân thuê máy xúc cải tạo đất thành đất lúa.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Bản Nậm San 2 đã được bố trí ổn định cho các hộ dân từ năm 2009; đến ngày 23/11/2015, UBND huyện Mường Nhé đã ban hành các Quyết định về việc bàn giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân bản Nậm San 2 để tổ chức sản xuất ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do nhu cầu về sản xuất tăng lên và nhiều yếu tố khác nên người dân đề xuất khai hoang, cải tạo thành ruộng lúa nước; UBND huyện Mường Nhé đã có hướng dẫn nhân dân tiến hành khai hoang ở các diện tích đất có thể sản xuất được để nghiệm thu bằng 2 cách:  

+ Một là: Người dân tự tổ chức khai hoang ruộng bậc thang bằng phương pháp thủ công, sau khi người dân khai hoang ruộng bậc thang xong báo cáo cho UBND xã Mường Nhé tổ chức nghiệm thu, lập nhu cầu kinh phí để trình UBND huyện phê duyệt để hỗ trợ cho người dân tự khai hoang theo chế độ, chính sách.

+ Hai là: Người dân không tự khai hoang ruộng bậc thang được thì đăng ký diện tích, địa điểm để khai hoang ruộng bậc thang với UBND xã Mường Nhé để tổng hợp, xây dựng phương án khai hoang bằng máy để trình UBND huyện phê duyệt, sau khi tổ chức khai hoang xong sẽ bàn giao lại cho người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, các hộ dân chưa đăng ký diện tích, địa điểm khai hoang nên đến nay UBND huyện Mường Nhé chưa thực hiện được công tác hỗ trợ khai hoang cho các hộ gia đình theo quy định. Đề nghị các hộ dân sớm lựa chọn, đăng ký phương án khai hoang với UBND huyện Mường Nhé để UBND huyện Mường Nhé sử dụng nguồn kinh phí do huyện theo dõi, quản lý thực hiện việc hỗ trợ khai hoang cho các hộ theo quy định.

- Thực hiện Công văn chỉ đạo số 4000/UBND-TĐC ngày 16/11/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ giao đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư; ngày 23/11/2015 UBND huyện Mường Nhé đã ban hành các Quyết định về việc bàn giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân bản Nậm San 2. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất sản xuất giữa các hộ được nhận lại chênh lệch lớn không đồng đều (có hộ nhận đất sản xuất 20.000 m2, có hộ chỉ 1.850 m2 đất sản xuất không đủ để canh tác sản xuất), theo ý kiến của người dân là muốn san sẻ một phần diện tích của hộ có nhiều đất sản xuất cho hộ ít đất sản xuất để đảm bảo tự túc được lương thực. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Mường Nhé rà soát, điều chỉnh lại cho hợp lý giữa các hộ dân tái định cư.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, đến thời điểm hiện tại, các hộ dân từ huyện Tủa Chùa về tái định cư tại bản Nậm San đã được giao đất sản xuất nông nghiệp theo hạn mức là 2ha/hộ với tổng diện tích giao là 330.005 m2; có 04/15 hộ dân từ huyện Mường Chà về đã được giao đất sản xuất nông nghiệp nhưng chưa đủ theo hạn mức với tổng diện tích giao là 23.190 m2; 12 hộ dân còn lại chưa được giao đất. UBND huyện Mường Nhé đã phối hợp với UBND huyện Mường Chà tính toán đối trừ giá trị đất giữa nơi đi - nơi đến để hỗ trợ kinh phí bồi thường theo quy định. Ngày 05/4/2016, UBND huyện Mường Chà đã tiến hành chi trả tiền đối trừ đất giữa nơi đi - nơi đến cho 15 hộ dân thuộc cụm dân cư số 3 bản Háng Mò Lừ xã Sá Tổng với tổng số tiền là 2.668.308.725 đồng. Các hộ dân đã cam kết dùng số tiền trên để phát triển sản xuất nhằm ổn định đời sống.

- Năm 2010 hộ gia đình anh Sùng A Chải  thuộc hộ dân phải di chuyển tái định cư từ huyện Mường Chà vào bản Nậm San 2, tuy nhiên vì lý do cá nhân anh Chải không di chuyển mà nhường lại cho em trai mình là Sùng A Khứ đi thay (anh Khứ đã đổi lại diện tích đất ở, đất sản xuất và nhà của mình đang ở tại huyện Mường Chà cho A Chải sử dụng); sau khi đã ổn định cuộc sống tại bản Nậm San 2 xã Mường Nhé, đến nay gia đình anh Khứ chưa nhận được chế độ nào của nhà nước về tái định cư do không đúng đối tượng di chuyển. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Mường Chà phối hợp với UBND huyện Mường Nhé giải quyết dứt điểm trường hợp trên để tránh thiệt thòi cho người dân.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Hộ gia đình ông Sùng A Chải thuộc hộ phải di chuyển đi tái định cư bản Háng Mò Lừ đến khu TĐC bản Nậm San 2 xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé  vì lý do cá nhân nên hộ gia đình ông Sùng A Chải không đi và đã được đền bù hỗ trợ TĐC tại chỗ theo quy định.

Hộ gia đình ông Sùng A Khứ đi thay hộ gia đình ông Sùng A Chải (anh trai) không nằm trong danh sách các hộ gia đình được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 27/02/2010. Sau di chuyển đến khu TĐC Nậm San 2, bản Nậm San, xã Mường Nhé và ổn định cuộc sống. UBND huyện Mường Nhé đã chấp nhận cho hộ ông Sùng A Khứ ở tại khu TĐC; tuy nhiên, do chủ hộ (ông Sùng A Khứ) không phải là đối tượng phải di chuyển đến khu tái định cư mới nên không được hưởng các hỗ trợ theo quy định.

Về nội dung này, ngày 12/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1269/UBND-TĐC về việc giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân tại bản Nậm San 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé trả lời, giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân theo đúng quy định hiện hành.

- Đề nghị Ban QLDA tái định cư thủy điện Sơn La sớm trả lời cho người dân bản Nậm San 2 xã Mường Nhé đồng ý, hay không đồng ý việc chuyển mục đích sử dụng làm bể nước sinh hoạt sang làm nhà vệ sinh theo nguyện vọng.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc hỗ trợ làm nhà vệ sinh cho các hộ tái định cư không có trong chế độ chính sách về bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007; do đó nội dung kiến nghị của cử tri là không phù hợp. Bên cạnh đó, dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã kết thúc trong năm 2015 và phải được quyết toán hoàn thành trong Quý II/2016, nên việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung chính sách về làm nhà vệ sinh cho các hộ gia đình là không khả thi.

Đề nghị các hộ dân chủ động áp dụng các biện pháp vệ sinh môi trường để bảo vệ môi trường sống cho gia đình và cộng đồng không nên chỉ chông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; yêu cầu UBND huyện Mường Nhé tăng cường công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn các hộ dân áp dụng các biện pháp vệ sinh môi trường để đảm bảo môi trường sống cho gia đình và các hộ gia đình lân cận.

5. 2. Cử tri bản Mường Tong 8, Mường Tong 9

Người dân hai Bản Mường Tong 8, Mường Tong 9 xã Mường Tong chuyển về từ bản Cà Là Pá xã Leng Su Sìn theo đề án 79, đến nay chưa có quyết định Thành lập bản nên các chế độ chính sách kèm theo không được thực hiện; người dân không có đất sản xuất phải đi làm thuê cho công ty cao su, đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét và sớm giao đất sản xuất cho người dân hai bản ngay trong tháng 12/2015.

Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:

Về việc thành lập bản và quản lý hành chính tại các bản mới thành lập: Căn cứ vào tiến độ di chuyển, bố trí, sắp xếp dân cư tại các điểm bản, đến thời điểm hiện tại đã chia tách, thành lập được 40 bản mới đủ điều kiện thành lập trong vùng Đề án 79. Riêng năm 2015, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt và Quyết định thành lập mới 25 bản (chia tách 2 bản để thành lập mới 4 bản và thành lập mới 21 bản) trên địa bàn huyện Mường Nhé, trong đó có bản Mường Toong 8 và bản Mường Toong 9 xã Mường Toong (Tại Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 của UBND tỉnh); đồng thời, kiện toàn các chức danh thôn, bản để quản lý các hoạt động chung trong bản.

Về việc bố trí đất sản xuất: Đối với bản Mường Toong 8, xã Mường Toong: UBND tỉnh đã chỉ đạo thu hồi diện tích đất nằm trong khu vực quy hoạch bản Mường Toong 8; điều chỉnh, bổ sung 17,7 ha đất sản xuất cho bản Mường Toong 8 để bố trí cho các hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, đại diện Chủ đầu tư (Đoàn kinh tế quốc phòng 379) đã tổ chức chia đất, các hộ dân được sắp xếp tại điểm bản Mường Toong 8 đã nhận đủ đất sản xuất, mỗi hộ bình quân 2 ha.

Đối với điểm bản Mường Toong 9, xã Mường Toong: Đã bố trí 25 hộ theo phương án được duyệt trong Đề án, đến nay mới di chuyển về nơi ở mới được 13 hộ, trong đó có 12 hộ đúng chủ hộ, đúng nhân khẩu theo quyết định di chuyển, đã được bố trí đất ở, đất sản xuất 02 ha/hộ, còn 01 hộ chưa được giao đất sản xuất với lý do, hộ này không đúng tên chủ hộ tại Quyết định phê duyệt di chuyển của UBND huyện Mường Nhé. Hiện nay, Sở Xây dựng (Đại diện chủ đầu tư) và UBND huyện Mường Nhé đang phối hợp rà soát, đối chiếu để giải quyết việc giao đất sản xuất đối với trường hợp 01 hộ nêu trên.

(còn nữa)

 

BBT

.