Bản Suối Lư 4 nỗi lo mùa giáp hạt

Thứ Tư, 04/03/2015, 15:03 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vào mùa giáp hạt hàng năm, nhiều hộ nghèo ở vùng cao tỉnh Điện Biên lại rơi vào tình cảnh cùng cực vì thiếu đói. Với những hộ thiếu ăn trong khoảng từ 1 - 3 tháng thì còn có thể khắc phục được phần nào. Nhưng với những hộ thiếu đói đến từ 5 - 7 tháng, thậm chí có những hộ thiếu ăn gần như quanh năm thì với họ, cuộc sống thật sự gian nan. Ghi nhận của phóng viên tại bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.

c
Bản Suối Lư 4 có gần 20 hộ nghèo đều nằm trong danh sách đề nghị cứu đói, trong đó có đến 13 hộ phải cứu đói trong 6 tháng.

Mặc dù chưa vào mùa giáp hạt nhưng ở bản định canh định cư Suối Lư 4 này, nhiều hộ đã rơi vào cảnh "Thóc hết, gạo không còn". Đây cũng là thực trạng chung của nhiều hộ nghèo ở vùng cao tỉnh Điện Biên, nhất là với những nơi không có ruộng nước. Bản Suối Lư 4 có 46 hộ thì chỉ có 6 hộ có ruộng nước nhưng diện tích không đáng kể, năng suất lại thấp. Cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy, chăn nuôi thì chưa phát triển. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác khiến Suối Lư 4 đói nghèo, chậm phát triển. Ông Lò Văn Khăm, Trưởng bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Ban lãnh đạo bản và các đoàn thể thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế gia đình nhưng có gia đình thì làm, cũng có gia đình thì không. Nếu gia đình nào chịu khó làm thì sẽ đủ ăn, còn có một số gia đình không làm nên đói quanh năm. Ở đây, nhiều gia đình vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hỗ trợ."

Một trong những trường hợp thiếu đói gần như quanh năm ở Suối Lư 4 là gia đình chị Lò Thị Muôn. Khi chúng tôi đến thăm, chị Muôn vắng nhà. Các con chị thì đang đói khát, chờ mẹ về và mong có gạo để nấu cơm. Cháu Lò Văn Quỳnh, con chị Lò Thị Muôn chia sẻ: Mẹ cháu đang đi làm nương thuê để đổi lấy gạo cho chúng cháu ăn, có lúc thì đi đào măng về bán để lấy tiền."

Hoàn cảnh như gia đình chị Lò Thị Muôn ở bản Suối Lư 4 không phải là cá biệt. Hiện cả bản có gần 20 hộ nghèo đều nằm trong danh sách đề nghị cứu đói, trong đó có đến 13 hộ phải cứu đói trong 6 tháng. Bởi vậy, không chỉ đói khi giáp hạt mà nhiều hộ ở đây thiếu ăn ngay từ khi vụ lúa mới chưa bắt đầu, thậm chí là hết thóc ngay sau khi thu hoạch lúa, bởi phải bán để trả nợ. Hết thóc, họ lại phải tìm mọi cách khác để duy trì sự sống. Ông Lò Văn Nen, bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm, Điện Biên Đông nói: "Dân bản tôi nghèo lắm, đến mùa giáp hạt thì họ đi làm thuê, lấy măng và củi về bán lấy tiền mua gạo, cũng có gia đình vay lãi để lấy tiền mua gạo."

d d
Cháu Lò Văn Quỳnh, con của chị Lò Thị Muôn ở bản Suối Lư 4 đang đói khát, chờ mẹ về và mong có gạo để nấu cơm

 

Những cách làm đó có thể giúp họ khắc phục được sự thiếu đói hàng ngày. Thế nhưng, nó chỉ mang tính tạm thời và bấp bênh. Có khi, những bó củi hay những cân măng lấy về được, nhưng không bán được, cũng không đổi thóc, gạo được thì đồng nghĩa với việc: Họ lại phải nhịn đói. Làm thuê, mướn cũng chỉ mang tính thời vụ, ít lao động nào ở đây có việc làm quanh năm.

Không chỉ mùa giáp hạt mà nhiều hộ ở Suối Lư 4 sẽ còn đói nghèo triền miên nếu như: Bà con không tích cực lao động, không thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không tiếp thu những cách làm mới và không mạnh dạn đầu tư trong phát triển kinh tế./.

 

Lê Dung - Tuấn Trung
 

.