Bản sắc văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng

Chủ Nhật, 23/12/2018, 20:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Một số loại hình du lịch được yêu thích ở Việt Nam gần đây đang được phát triển dựa trên nhu cầu khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm về bản sắc văn hóa cộng đồng. Ở Điện Biên, các dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa đang ngày càng trở nên đa dạng. Đây vừa là cơ hội để đồng bào các dân tộc trong tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, vừa giúp họ nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện nay ở Việt Nam, du lịch đã trở thành một trong những nhu cầu thường xuyên của nhiều tầng lớp trong xã hội. Có nhiều loại hình du lịch bạn có thể lựa chọn như: du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch tham quan – nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh – lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người yêu thích.

Du lịch cộng đồng là một khái niệm mới xuất hiện trong vài năm gần đây. Trong Luật du lịch Việt Nam năm 2017 du lịch cộng đồng được định nghĩa : Là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng với nhiều mô hình khác nhau, đã và đang tạo cơ hội cho người dân nhiều địa phương phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc và bảo vệ môi trường.

1
Hiện nay, du lịch cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người yêu thích.

 

Ở Điện Biên loại hình du lịch cộng đồng đã khá phát triển trong 5 năm gần đây. Mô hình du lịch cộng đồng đã được xây dựng trên tuyến du lịch trọng điểm: thành phố Điện Biên Phủ - Pá Khoang – Mường Phăng và vùng lân cận. Tại thành phố Điện Biên Phủ các bản văn hóa du lịch như: bản Ten, bản Noong Chứn, bản Him Lam, Phiêng Lơi, được tôn tạo phục vụ du lịch.

Tại huyện Điện Biên, các điểm gần thành phố cũng có bản Mển, bản Co Mỵ, là các bản văn hóa du lịch được nhiều đoàn khách du lịch tìm đến. Dịch vụ chủ yếu ở các bản này là ẩm thực và giao lưu văn hóa văn nghệ. Mô hình này đã khai thác được một số yếu tố đặc sắc của văn hóa địa phương nhằm thu hút du khách.

Mô hình cũng đã có một số đóng góp cho cộng đồng thôn bản, và góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là mô hình du lịch mang tới việc làm và thu nhập cho không ít người dân và các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên hạn chế của mô hình này là chưa khuyến khích được đông đảo người dân địa phương tham gia và sức thu hút của mô hình chưa cao.

Xác định bản sắc văn hóa độc đáo là yếu tố thu hút với khách du lịch, cần phát huy tối đa sức thu hút của yếu tố này để du lịch cộng đồng thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng, gần đây một mô hình du lịch mới đã được khơi dậy. Tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên du lịch cộng đồng đang được phát triển theo hướng phát huy hiệu quả các dịch vụ du lịch đã có, đồng thời mở mang thêm mô hình mới để tăng sức thu hút.  

1
Mường Phăng trở thành điểm du lịch quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Điện Biên

 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới tán rừng Mường Phăng. Từ khu rừng bí mật, những quyết định sáng suốt, những mệnh lệnh có tính chất quyết định đã được Bộ chỉ huy chiến dịch đưa ra, làm nên chiến thắng vẻ vang chấn động năm châu.

Ngày nay Mường Phăng trở thành điểm du lịch quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Điện Biên. Đây là cơ hội để đồng bào Mường Phăng quảng bá bản sắc văn hóa địa phương, biến những giá trị vốn có trở thành tiềm năng phát triển. Du khách đến Mường Phăng không chỉ được biết rõ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 64 năm, mà còn có thể trải nghiệm đời sống văn hóa với người dân bản địa.

Không chỉ nỗ lực bảo vệ khu rừng ngàn năm tuổi, để giữ mãi không gian thiêng liêng cho các thế hệ sau tìm về, mô hình bản văn hóa du lịch cũng được xây dựng ở Mường Phăng nhằm quảng bá Bản sắc văn hóa địa phương. Cảnh quan văn hóa truyền thống được tôn tạo, gìn giữ, nghề truyền thống được khôi phục, các dịch vụ ẩm thực mang màu sắc đặc trưng của đồng bào Thái Mường Phăng được phát triển, khiến Mường Phăng trở thành điểm du lịch có sức thu hút.

1
Mường Phăng trở thành điểm du lịch có sức thu hút.

 

Gần đây địa phương còn tổ chức thêm mô hình du lịch mới với hy vọng sẽ giữa được chân du khách ở lại lâu hơn với nơi này. Mô hình homestay được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước vừa được đưa tới Mường Phăng. Mô hình này do Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên phối hợp với tổ chức phi chính phủ AOP thực hiện, giúp đồng bào địa phương tham gia sâu, rộng hơn vào lĩnh vực du lịch.
 
Mô hình homestay là mô hình lưu trú phục vụ khách du lịch với các dịch vụ thân thiện như: ăn, ở, ngủ, nghỉ và trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên ngay trong cộng đồng dân cư. Đây là mô hình mới mẻ, thú vị được xây dựng trên cơ sở phát huy các yếu tố về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên vốn có ở địa phương.     

Mô hình này sử dụng không gian nhà ở của người dân địa phương, tổ chức thành điểm cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Sức thu hút của mô hình này chính là giúp du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống và hòa mình vào thiên nhiên làng bản vùng cao. Màu sắc văn hóa riêng biệt, sự thân thiện của người dân địa phương, hương vị hấp dẫn từ các căn bếp của đồng bào Thái Mường Phăng và khung cảnh bình dị nơi đây, là các yếu tố quan trọng để phát triển mô hình du lịch này.

1
Homestay Phương Đức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do chính người dân bản địa thực hiện ở Mường Phăng

 
Homestay Phương Đức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do chính người dân bản địa thực hiện ở Mường Phăng. Cơ sở này có 2 nhà lưu trú dành cho các đoàn khách có từ 30 đến 40 người ngủ nghỉ, sinh hoạt, trải nghiệm với các dịch vụ ẩm thực, khám phá cảnh sắc làng bản, giao lưu trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương. Cơ sở này vốn là nhà ở của gia đình ông Phương Đức, được tu sửa, nâng cấp trên cơ sở giữ nguyên nếp nhà truyền thống dân tộc Thái, nơi ngủ nghỉ cũng được sắp xếp tổ chức theo truyền thống của người Thái địa phương.

Homestay là loại hình lưu trú phục vụ du lịch mới được phát triển ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Homestay không phải là khu cảnh quan hay khu nghỉ dưỡng, cơ sở vật chất được tận dụng chính là nhà người dân, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ lưu trú. Giá cả vì vậy cũng rất hợp lí, phù hợp với đa số khách du lịch thuộc giới trung lưu và nhất là các bạn trẻ thích khám phá, trải nghiệm.

Ở đây du khách có thể được sống cùng đồng bào Thái, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày và cảm nhận đầy đủ sự mới lạ về phong tục, tập quán, nếp sống của người dân địa phương. Không khí trong lành và khung cảnh thanh bình của bản nhỏ miền Tây Bắc cũng sẽ giúp du khách có được một tinh thần thư thái hơn. Homestay thực sự là nơi luôn  đón chào bạn bất cứ khi nào: khi bạn muốn tìm cảm giác mới lạ, hoặc muốn tìm chốn bình yên tránh xa ồn ào phố thị.  Những vị khách đầu tiên đến với homestay Phương Đức đều có cảm nhận tốt về nơi này.
 
Với những xu hướng du lịch mới mẻ hiện nay, bản sắc riêng biệt của một nền văn hóa, của một cộng đồng luôn là yếu tố quan trọng tạo sức thu hút. Du lịch cộng đồng chính là loại hình du lịch khám phá văn hóa, thiên nhiên, con người ở những vùng đất có nhiều điều mới lạ. Bởi vậy việc gìn giữ bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, môi trường thiên nhiên ở các khu vực này luôn phải đặt lên hàng đầu.

Để các mô hình du lịch trong loại hình du lịch cộng đồng có thể phát triển, đem lợi ích thiết thực cho cộng đồng, ngoài việc xây dựng làng bản khang trang, mở mang dịch vụ giàu bản sắc, người dân địa phương cũng cần được nâng cao ý thức, kỹ năng du lịch. Các điểm du lịch cũng cần được kết nối để tạo sức hút lớn hơn.

Bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, từ trước tới nay chúng ta vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này. Hy vọng tới đây sự đa dạng hóa về mô hình dịch vụ trong du lịch cộng đồng sẽ giúp người dân các thôn, bản văn hóa của Điện Biên phát huy hiệu quả hơn những giá trị truyền thống, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
                                                             

 

 

Minh Giang – Minh Tuấn/DIENBIENTV.VN

.