Tham ô tiền tỷ đẩy Trịnh Xuân Thanh đến 2 án chung thân

Thứ Ba, 06/02/2018, 07:42 [GMT+7]

Trong hai vụ án xảy ra tại PVP Land và PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh được xác định đã nhận và sử dụng chung gần 20 tỷ đồng.
 
Nhận “lại quả” 14 tỷ đồng

Ngày 5/2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) lần thứ hai bị tuyên phạt mức án chung thân trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Ngày 27/3/2010, Công ty CP dịch vụ xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hoà Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5) với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Tuy nhiên, riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land do Nguyễn Ngọc Sinh (cựu Tổng Giám đốc) ký thì chỉ chuyển nhượng với giá hơn 13.000 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất), tổng giá trị hợp đồng là 191 tỷ đồng. Như vậy, so với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng giảm 87 tỷ đồng và thực chất việc ký hợp đồng là để chiếm đoạt tiền chênh lệch chia nhau.
 

1
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 2 bản án chung thân tại hai phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại PVP Land và PVN, PVC. Ảnh: TTXVN


HĐXX xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò chính vì khi đó là Chủ tịch HĐQT PVC - cổ đông chiếm 28% cổ phần của PVP Land, căn cứ chức năng, nhiệm vụ có vị trí quan trọng trong chuyển nhượng mua bán cổ phần của PVP Land. Chính Trịnh Xuân Thanh là người chỉ đạo chuyển nhượng cổ phần với mức giá 34 triệu đồng/m2 đất trong khi bị cáo biết rất rõ giá thực tế tương đương 52 triệu đồng/m2 đất. Đặc biệt, khi chuyển nhượng thành công, Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ đồng “lại quả” trong tổng số 49 tỷ đồng mà các bị cáo chiếm đoạt.

Số tiền trên sau đó được Trịnh Xuân Thanh trả lại cho Thái Kiều Hương (cựu Phó TGĐ Công ty Vietsan) qua Đinh Mạnh Thắng (cựu Chủ tịch Công ty Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà - em trai ông Đinh La Thăng) kèm “lời dặn dò” rằng giữ bí mật coi như số tiền này chưa từng đến tay Thanh. Tuy nhiên, hành vi của Trịnh Xuân Thanh được chứng minh và xác định phạm tội Tham ô tài sản.

HĐXX nhận định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo lợi dụng cơ chế chính sách trong quản lý kinh tế của Nhà nước để chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp trong đó có tài sản nhà nước với giá thấp hơn thực tế để lấy tiền chia nhau, gây thiệt hại hơn 87 tỷ đồng mà thực tế các bị cáo chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

“Hành vi của các bị cáo phạm tội tinh vi, cấu kết chặt chẽ giữa các cá nhân tạo ra một công đoạn mua bán chuyển nhượng tưởng như hợp pháp, gây dư luận rất xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng” – HĐXX nhận định trước khi tuyên án.

Cầm tiền tỷ để “chi đối ngoại”

Cách đây nửa tháng, cụ thể là vào ngày 22/1/2018, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị tuyên phạt mức án chung thân về tội Tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại PVC.

Bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận (cựu TGĐ PVC) chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân mà theo lời khai của các bị cáo là dành cho mục đích “chi đối ngoại”, trong đó Trịnh Xuân Thanh trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng 3 bị cáo khác trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Dù bị cáo không thừa nhận việc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, không chiếm hưởng số tiền trên nhưng HĐXX xét thấy từ lời khai của bị cáo Vũ Đúc Thuận và một số bị cáo khác phù hợp với tài liệu cơ quan điều tra thu thập, có thể xác định Trịnh Xuân Thanh đã thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, các bị cáo Nguyễn Anh Minh (cựu Phó TGĐ PVC), Vũ Đức Thuận, Lương Văn Hòa (cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) khai theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh đã chuẩn bị 5 tỷ đồng chi đối ngoại dịp Tết. Ngày 13/1/2012, Hòa rút 5 tỷ đồng chuyển cho lái xe của Nguyễn Anh Minh. Sau đó, lái xe giữ lại 1 tỷ đồng cho Minh và chuyển 4 tỷ đồng  cho Trịnh Xuân Thanh thông qua lái xe riêng.

HĐXX cho rằng hành vi chiếm hưởng số tiền đã hoàn thành, việc chi tiêu do các bị cáo quyết định. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất xấu trong dư luận. Sau khi phạm tội bị cáo Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn gây khó khăn cản trở việc điều tra.

Công bố bản án, HĐXX nhấn mạnh việc đưa vụ án ra xét xử đã thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng và Nhà nước ta trong việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải bị xử lý, tài sản tham nhũng phải bị thu hồi, công lý phải được thực thi./.

 

 

Theo Nam Sơn/VOV.VN

.