Liên minh Hợp tác xã tỉnh Điện Biên

Những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế

Chủ Nhật, 28/04/2019, 15:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể ở tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ vừa qua là ngày càng có nhiều hợp tác xã hoạt động theo mô hình kiểu mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Một điều đáng nói nữa là không chỉ cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh tế, những mô hình kinh tế tập thể còn góp phần định hướng, thay đổi tư duy cho một bộ phận không nhỏ người dân trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới nền sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn.

Không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa giới hành chính, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) ở tỉnh ta đang chứng minh được vai trò của mình trong thời kỳ đổi mới. Một trong những yếu tố đánh giá sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể là số lượng HTX, tổ hợp tác thành lập mới hằng năm đều tăng.

Và điều đáng mừng là sự gia tăng số lượng của các HTX không chỉ đơn thuần về mặt cơ học mà đã khẳng định mô hình kinh tế tập thể đang mang lại lợi ích, tạo sức hút đối với người dân. Các HTX của tỉnh ta chủ yếu phát triển tự nguyện, bộ máy gọn nhẹ và kinh doanh đa ngành, nhưng chủ đạo vẫn là lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản.

1
HTX Bản Mé là một trong những HTX điển hình trong việc cơ giới hóa sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học để sản xuất sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 

Ông Phí Văn Dương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, toàn tỉnh đã có trên 130 tổ hợp tác và 123 HTX thành lập mới, nâng tổng số tổ hợp tác lên con số 410, HTX lên 200, với gần 13 nghìn thành viên và người lao động. Những HTX, tổ hợp tác thành lập mới hoạt động trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; thương mại dịch vụ; vận tải... Trong đó, lĩnh vực hoạt động chủ yếu vẫn là nông nghiệp.

Những năm gần đây đã xuất hiện ngày một nhiều các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, phù hợp với các điều kiện tự nhiên và kinh tế vùng miền, đó là: Gạo, dứa, rau củ quả, cá tầm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều này được coi là tín hiệu tốt bởi tất cả các đơn vị mới thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên muốn hợp tác với nhau, hoạt động theo đúng bản chất hỗ trợ lẫn nhau để cùng tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nhiều đơn vị thành lập mới đang xây dựng quy trình sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc với mục tiêu hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước áp dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh. Trong đó, điển hình là các HTX nông nghiệp ở huyện Điện Biên với chuỗi sản phẩm lúa gạo IR64, Bắc Thơm số 7 và Hương Việt. Quá trình sản xuất không chỉ được các hợp tác xã tập trung ở khâu trồng trọt mà đã trực tiếp tham gia vào các khâu chế biến và tiêu thụ.

Ông Vũ Tiến Mạnh, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Là HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chúng tôi hiểu rằng HTX là đơn vị trung gian gắn kết giữa người nông dân, thành viên với doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Muốn nâng cao được giá trị sản phẩm thì phải giảm được chi phí sản xuất, tăng được giá bán sản phẩm. Trong năm 2018 vừa qua, chúng tôi đã dồn điền đổi thửa được 20ha đất trồng lúa, sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, giảm được từ 40-50% chi phí thuốc BVTV; năng suất nâng lên 10%, chất lượng gạo tốt.

Không chỉ tăng về số lượng, phương thức hoạt động của các HTX, tổ hợp tác đang ngày càng chuyên nghiệp, góp phần “đổi về chất”, nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể. Đến nay, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX đã bầu ra Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, tổ chức hoạt động theo Luật.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và quy mô hoạt động; kết quả hoạt động của các HTX đều tăng qua các năm; xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi; hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ thành viên; tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện; liên kết giữa các HTX với nhau và với các tổ chức kinh tế khác đã có sự phát triển tốt.

1
Xã viên HTX thêu dệt thổ cẩm xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên trao đổi kinh nghiệm thêu dệt sản phẩm

 
Xuất phát từ thực tế khách quan của sản xuất và đời sống, các HTX mới đều ra đời một cách tự nguyện và tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX; tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của HTX thành lập mới gọn nhẹ, phù hợp với đặc điểm kinh tế ở từng vùng.

Điển hình là ở huyện Điện Biên, nhiều HTX mới thành lập với ngành nghề chủ yếu là sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm và trồng rau an toàn; ở huyện Mường Ảng, các HTX tập trung trồng các loại cây kinh tế mũi nhọn của địa phương là cà phê; huyện Mường Chà tập trung chăn nuôi đại gia súc, trồng dứa.

Xu hướng hoạt động của các HTX là sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, kết hợp giữa sản xuất nông, công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Điều đó thể hiện khát vọng vươn xa của những HTX này nói riêng và các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung.

Từ những chuyển biến rõ rệt về cách thức tổ chức và lĩnh vực hoạt động, thu nhập của thành viên, người lao động trong các HTX từng bước được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân của xã viên, người lao động hoạt động trong các HTX nông nghiệp đạt 2,2 triệu đồng/người/tháng; đối với HTX phi nông nghiệp là 3 triệu đồng/người/tháng.
 
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều HTX còn tích cực tham gia đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động xã hội, từ thiện do địa phương phát động như: Đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương...

Để có được những kết quả đó, ngoài nỗ lực của bản thân các HTX, thì sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương cũng góp phần không nhỏ. Cụ thể, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng chế độ kế toán mới, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX, xây dựng chuỗi giá trị gắn với phát triển HTX. Bên cạnh trang bị kiến thức về kỹ thuật, tiếp sức về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cũng được đánh giá là giải pháp thiết thực.

Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018, Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác xây dựng dự án, đồng thời phối hợp thẩm định và giải ngân cho 14 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương, với tổng vốn vay trên 2 tỷ đồng; 1 dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương với số vốn vay lên tới 2 tỷ đồng. Bê cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh cũng đã giải quyết nhu cầu về vốn cho 12 dự án với vốn vay xấp xỉ 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 200 thành viên và người lao động.

Có thể thấy, giai đoạn 2013 - 2018 là khoảng thời gian ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tập thể ở tỉnh ta với số lượng HTX thành lập mới không ngừng được tăng lên, hiệu quả hoạt động cũng rõ nét hơn. Nhiều HTX đang từng bước xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động của các HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 về cơ bản đã có những chuyển biến mới, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Với những bước đi đúng đắn, nhiệm kỳ tới, khu vực kinh tế tập thể ở tỉnh ta đang được kỳ vọng sẽ từng bước vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động để tiếp tục đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.


 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.