Năm 2018 – Bước đệm vàng cho thương mại điện tử Việt Nam

Thứ Bảy, 22/12/2018, 01:09 [GMT+7]

Kinh tế trên nền tảng internet của Việt Nam có quy mô tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm qua nhờ thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến.

Báo cáo E-Conomy SEA 2018 – một nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật số được thực hiện bởi Google và Temasek (đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính Singapore) khẳng định: kinh tế trên nền tảng internet của Việt Nam như "con rồng chuyển mình" với quy mô tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm qua - nhờ lĩnh vực thương mại điện tử và truyền thông trực tuyến.

c
Năm 2018 – Bước đệm vàng cho thương mại điện tử Việt Nam.

Đáng chú ý, cùng với xu hướng thương mại điện tử toàn cầu, 2018 được coi là bước đệm vàng cho thương mại điện tử Việt Nam. Những giá trị thực tiễn nào đã tạo nên “bước đệm vàng” này và cần những điều kiện gì để ngành thương mại điện tử phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế?

Dự báo 2025 quy mô nền kinh tế số lên tới hơn 200 tỷ USD, tập trung vào các dịch vụ: đầu tiên là gọi xe, tương đương dịch vụ Grab bây giờ, tiếp đến là online media với khoảng 19,5 tỷ USD; tiếp nữa là du lịch trực tuyến và đến thương mại điện tử -ecommerce với khoảng 88,1 tỷ USD. Lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2020 lên tới 1525 tỷ USD.

Rõ ràng, trong quy mô nền kinh tế số nói chung và quy mô lĩnh vực thương mại điện tử, cơ hội cho Việt Nam rất lớn. Nhưng quan trọng, theo các chuyên gia thương mại điện tử là “các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này có thể tiếp cận được thế nào, có bước đi nào thực sự hữu hiệu để có phần trong miếng bánh chung đó - trong bối cảnh cả Châu Á Thái Bình Dương đều muốn có”?

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến đang dần được xóa nhòa. Khi mức độ quen thuộc, thoải mái và niềm tin tăng lên thì người dùng có xu hướng mở rộng giao dịch thương mại điện tử. Điều này tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh trên kênh thương mại điện tử trong khoảng 1 vài năm trở lại đây, đặc biệt trong năm nay.

Cùng quan điểm “tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu đối với các thành phần tham gia hoạt động mua-bán trên môi trường đa biên giới này.

"Chúng ta phải bán hàng đa kênh để đáp ứng xu hướng và đáp ứng trải nghiệm của người tiêu dùng. Thương mại điện tử có rất nhiều ưu việt, tuy nhiên đối với nhiều người tiêu dùng và khách hàng họ mong muốn là họ được nhìn thấy, được trải nghiệm, được cảm nhận sản phẩm đó hay dịch vụ đó", bà Loan cho hay.

Song song với việc tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng, còn có nhiều thách thức mà nếu như mọi thành phần tham gia thương mại điện tử, đặc biệt là cơ quan quản lý không chú trọng tìm giải pháp thì hướng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam khó bền vững.

Ông Jonathan James - Đại diện comScore – 1 công ty chuyên phân tích số liệu Internet của Mỹ khẳng định, quan trọng nhất là phải đo lường được. Phát triển đo lường từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, có thể là đo lường trên website, đo lường giao dịch, đo lường blockchan hoặc…khi có hệ thống đo lường như vậy thì sẽ thống nhất được việc đo lường e-commerce.

"Bản thân doanh nghiệp cũng phải có hệ thống đo lường này thì mới định hướng được, tìm hiểu được phương pháp nào là hiệu quả đối với đường hướng kinh doanh và chính phủ cũng nhờ đó xác định được chính sách nào là phù hợp với thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ví dụ bây giờ có nhiều công ty quốc tế hoàn cầu như Lazada đã đến Việt Nam và điều Việt Nam thiếu là các phương thức đo lường này", ông James đánh giá.

Tạo dựng được lòng tin nơi người tiêu dùng sẽ góp phần kích cầu thương mại điện tử. Khi giao dịch thương mại điện tử có xu hướng gia tăng lại cần thiết phải đo lường được mọi vấn đề trong hoạt động này để kịp thời có các giải pháp phù hợp, có hướng đi tiếp theo, giúp doanh nghiệp phát triển. Những cá nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn sẽ hiện thực hóa được những bước đi cần thiết đó.

Về phía cơ quan chức năng, với mục tiêu được Bộ Công Thương đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử đến năm 2020 là 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 350 USD/người; giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước…

Các chuyên gia cho rằng, với những bước tiến của ngành trong năm 2018 này, con số mục tiêu vừa nêu rất khả quan. Thế nhưng, nếu chỉ chú trọng kích cầu giao dịch thương mại điện tử mà buông lỏng quản lý sẽ để lại nhiều hậu quả, đặc biệt là thất thu kinh phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Thực tế, năm nay, cơ quan quản lý đã nhận diện rõ nguồn thu lớn từ đây, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp để thu thuế hiệu quả. Đó là yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại điện tử - trong bối cảnh giao dịch số toàn cầu - khi mà chúng ta đã có 1 bước đệm thành công trong năm 2018./.

 

Theo Thu Trang/VOV

.