Điện Biên đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Thứ Bảy, 24/11/2018, 18:15 [GMT+7]

 Điện Biên TV - Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Qua đó, từng bước giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận thông tin thị trường, giảm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác; thanh toán nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.

Thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại bằng những phương tiện điện tử. Thương mại điện tử vẫn mang bản chất như các hoạt động thương mại truyền thống. Tuy nhiên, thông qua các phương tiện điện tử mới, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng không gian kinh doanh.

1
Lợi ích lớn nhất mà Thương mại điện tử đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch

 

Thương mại điện tử càng được biết tới như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ khi Internet hình thành và phát triển. Chính vì vậy, nhiều người hiểu Thương mại điện tử theo nghĩa cụ thể hơn là giao dịch thương mại, mua sắm qua Internet và mạng. Lợi ích lớn nhất mà Thương mại điện tử đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Giao dịch bằng phương tiện điện tử nhanh hơn so với giao dịch truyền thống.

Các giao dịch qua Internet có chi phí rất rẻ, một doanh nghiệp có thể gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng chỉ với chi phí giống như gửi cho một khách hàng. Với Thương mại điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, giữa thành phố với nông thôn, từ nước này sang nước kia, hay nói cách khác là không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Điều này, cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian gặp mặt trong khi mua bán.

Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng. Những lợi ích như trên chỉ có được với những doanh nghiệp thực sự nhận thức được giá trị của Thương mại điện tử. Vì vậy, Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát triển Thương mại điện tử là một nhu cầu cần thiết và cấp bách để kinh tế tỉnh Điện Biên phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, Thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch; với người tiêu dùng, Thương mại điện tử giúp họ có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp; với xã hội, Thương mại điện tử phát triển sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn như: Thu thập được nhiều thông tin, giảm chi phí sản xuất-bán hàng-tiếp thị-giao dịch và bảo vệ môi trường.

1
Điện Biên mở lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn

 

Là một trong những đơn vị tiên phong, Doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi, đơn vị chuyên kinh doanh, buôn bán các mặt hàng điện tử, thiết bị máy tính đã gặt hái được nhiều thành công nhờ việc ứng dụng Thương mại điện tử vào kinh doanh. Website Thương mại điện tử của Công ty được thành lập đã giới thiệu, quảng bá được sản phẩm giúp Doanh nghiệp bán hàng dễ dàng mà không tốn nhiều công sức tư vấn. Mặc dù lượng hàng bán qua Website chỉ chiếm khoảng hơn 10% doanh thu song hiện nay, Công ty đang đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp trang mua sắm online cũng như cải thiện thời gian giao hàng cho khách để thu hút nhiều khách hàng hơn.
 
UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015, tiếp đó là kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 và giao Sở Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện. Đây là bộ khung để các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, các hoạt động cụ thể hỗ trợ thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển và theo kịp với tình hình phát triển chung của cả nước và thế giới.

Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả nhất định. Các loại hình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng sôi động và đa dạng; từ việc thiết lập các website riêng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử đến việc tạo lập các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber...

Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp cũng như của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và bộc lộ không ít những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý cũng như việc thúc đẩy hoạt động này phát triển như: Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng chưa cao; tỷ lệ người tiêu dùng chưa có thói quen mua hàng trực tuyến, chưa tin tưởng vào tính an toàn của giao dịch trực tuyến vẫn còn nhiều;

Tỉnh Điện Biên chưa có sàn giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp, người tiêu dùng thiếu đi một kênh mua bán trực tuyến an toàn, hiệu quả; cơ quan quản lý nhà nước thiếu công cụ để kiểm soát, đưa hoạt động mua bán hàng trực tuyến vào hệ thống cũng như thúc đẩy việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phát triển.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực kinh doanh chính là buôn bán nhỏ lẻ và xây dựng. Các doanh nghiệp đã nhận thức và trang bị một phần hạ tầng phục vụ ứng dụng thương mại điện tử. Song việc ứng dụng các phần mềm chuyên sâu hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, đa số mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm tài chính kế toán, các phần mềm chuyên sâu như quản lý nhân sự, SCM, CRM, ERP có mức độ sử dụng còn thấp.
 
Với mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Đến thời điểm này, Sở Công Thương đã tổ chức 6 lớp tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử, hỗ trợ 10 doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống  thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp.

Đồng thời, xây dựng sổ tay thương mại điện tử và phát 400 cuốn cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; tập huấn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp online; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử, hướng dẫn mua sắm an toàn; quy trình thông báo, đăng ký website với Bộ Công Thương; phân biệt các loại hình kinh doanh mạng xã hội.

1
Thương mại điện tử dần dần thay thế cách mua hàng truyền thống

 

Cho đến nay, thương mại điện tử đã dần khẳng định vai trò quan trọng, là công cụ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Cùng với việc phát triển mạnh mẽ của Internet và Thương mại điện tử, các hình thức mua bán qua Internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc đối với một bộ phận người tiêu dùng.
 
Dù đã được triển khai thực hiện được hơn 7 năm, song Thương mại điện tử vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ không chỉ riêng các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh mà còn với hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của họ về Thương mại điện tử khá hẹp, thói quen giao dịch truyền thống dẫn đến chưa thật sự mạnh dạn ứng dụng Thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, mua-bán. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng Thương mại điện tử ở tỉnh ta còn hạn chế, trình độ sử dụng internet của người dân chưa thành thạo, chưa có nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng chuyển giao và phát triển công nghệ. Chất lượng của hạ tầng viễn thông, đặc biệt là internet - công cụ hỗ trợ trực tiếp cho thương mại điện tử chưa cao.

Nguồn nhân lực Thương mại điện tử trong các doanh nghiệp còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách Thương mại điện tử còn thiếu, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm trong việc ứng dụng Thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ, chưa có chính sách đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp tham gia vào các website chỉ xem website là kênh tiếp thị bổ sung để quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, do đó chưa đầu tư khai thác hết những lợi ích Thương mại điện tử có thể mang lại cho doanh nghiệp. Với mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong những năm tới.

1
Doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử.

 

Theo đó, tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2020, 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và qua bộ phận một cửa điện tử; 50% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cơ sở cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử.

Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử, hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong kinh doanh điện tử giữa các doanh nghiệp; cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử.
 
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phát triển thương mại điện tử là một nhu cầu cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Cùng với lợi ích của doanh nghiệp, thương mại điện tử cũng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp. Phát triển thương mại điện tử sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh và giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.