Huyện Mường Chà chăm sóc bảo vệ lúa mùa

Thứ Năm, 17/08/2017, 09:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, hơn 1.580 ha lúa mùa của huyện Mường Chà đang phát triển tốt, tuy nhiên, nhiều diện tích lúa bị ốc bươu vàng và một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Cùng với tập trung chăm sóc lúa đầu vụ, các địa phương trên địa bàn huyện chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa mùa.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Mường Chà có mưa kéo dài trên diện rộng đã làm 6,9 ha lúa ruộng bị vùi lấp tại xã Mường Tùng, 3 ha ruộng bị cuốn trôi tại xã Nậm Nèn. Xuất phát từ tình hình thực tế và rút kinh nghiệm các năm trước, hiện nay cùng với việc khắc phục hậu quả mưa lũ, 11 xã và thị trấn trong huyện đang nỗ lực ứng phó với tình hình mưa lũ, tập trung kiểm tra, rà soát lại diện tích lúa bị thiệt hại; đồng thời đôn đốc, vận động các hộ nông dân tập trung phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc tốt cho lúa theo như kế hoạch đã đề ra.

1
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà thăm, kiểm tra đồng ruộng tại bản Co Đứa xã Na Sang huyện Mường Chà

 

Anh Trần Quốc Luyện, Phó trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để một số đối tượng sinh vật gây hại xuất hiện. Tại 1 số chà lúa sớm đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại. Phổ biến là Rầy lưng trắng (lứa 5) gây hại diện rộng, mật độ trung bình 15 – 20 con/m2, nơi cao 60 con/m2 ; các loại thiên địch gây hại khác như ốc bươu vàng gây hại chủ yếu giai đoạn sau gieo đến 3 - 4 lá, mật độ trung bình 1 – 2 con/m2, nơi  cao 5 con/m2; ngoài ra còn có các đối tượng tuyến trùng hại rễ, ruồi đục nõn, bệnh nghẹt rễ, bệnh vàng lá sinh lý.

Thời điểm này, Trạm bảo vệ thực vật huyện Mường Chà tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa và quản lý sinh vật gây hại như: Vệ sinh cỏ dại đồng ruộng, cắt dọn sạch cỏ bờ để hạn chế nguồn bệnh lây lan.

Tiến hành bón phân đón đòng cho lúa khi xuất hiện 10% lá thắt eo (cuối giai đoạn lúa đứng cái); liều lượng bón 7 - 8 kg kaly + 3 - 4 kg Đạm. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ các sinh vật có ích trên đồng ruộng đồng thời tránh hiện tượng rầy kháng thuốc. Chỉ phun trừ rầy ở nơi có mật độ cao > 750 con/m2 (giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi ≥ 3 con/1 dảnh lúa) và chú ý phun trừ sớm khi rầy còn ở tuổi nhỏ. Sâu cuốn lá nhỏ, nên chú ý phun trừ đúng thời điểm.

Đối với bệnh đạo ôn, phun trừ ngay khi thấy bệnh xuất hiện bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bump 650 WP, One-over 40EC, Difusan 40EC  (chú ý các khu vực tiền dịch như xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Mường Tùng). Ngoài ra cần chú ý theo dõi diễn biến gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại khác như: Sâu keo, sâu đục thân, bệnh khô vằn, đốm nâu...

 

CTV - Đỗ Tuyến
 

.