Điện Biên: Triển vọng kinh tế từ nghề làm miến, bún khô tại xã Thanh An

Thứ Hai, 19/10/2015, 17:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, nhiều hộ nông dân xã Thanh An, huyện Điện Biên đã đầu tư vào phát triển nghề làm miến, bún khô. Từ làm nghề nhiều hộ gia đình đã thoát đói nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, các hộ sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ chưa tương xứng với tiềm năng của nghề.

s
Máy làm miến dong của gia đình Ông Đặng Văn Tưởng, bản Hồng Khoong 2, xã Thanh An trung bình mỗi ngày gia đình ông chế biến được 50 kg miến dong khô, với giá bán trên thị trường từ 40 – 50 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập được trên 40 triệu đồng.

 

Gia đình ông Đặng Văn Tưởng, bản Hồng Khoong 2, xã Thanh An đã gắn bó với nghề làm miến dong gần 40 năm. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã, nhờ tập trung phát triển sản xuất miến dong, gia đình ông thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá trong xã. Mỗi năm gia đình ông mua khoảng 3 tấn bột dong từ xã Mường Phăng, xã Nà Tấu của huyện Điện Biên về sản xuất miến. Trung bình mỗi ngày gia đình ông chế biến được 50 kg miến dong khô, với giá bán trên thị trường từ 40 – 50 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập được trên 40 triệu đồng.

Ông Đặng Văn Tưởng, Bản Hồng Khoong 2, xã Thanh An, Huyện Điện Biên cho biết: Được Ông bà truyền lại nghề làm miến dong lên Điện Biên gia đình vẫn tiếp tục phát huy truyền thống làm miến dong của ông bà để lại. Trước kia công việc làm miến dong cũng rất khó khăn làm bằng tay từ hồi công nghệ phát triển gia đình đầu tư máy móc làm miến dong rất nhanh và tiện lợi

s
Chị Nguyễn Thị Hương tại thôn Đông Biên 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên là một trong những hộ gia đình có quy mô làm bún khô lớn nhất trong xã

 

Cũng giống như gia đình ông Tưởng, gia đình anh Phạm Như Quỳnh và chị Nguyễn Thị Hương tại thôn Đông Biên 1, xã Thanh An, huyện Điện Biên là một trong những hộ gia đình có quy mô làm bún khô lớn nhất trong xã. Làm nghề được 6 năm, có kinh nghiệm sản xuất, sản phẩm của gia đình anh chị luôn đảm bảo về chất lượng và được thị trường tiêu thụ với số lượng lớn. Hiện tại mỗi ngày, gia đình anh chị sản xuất được trên 1 tạ bún khô, đặc biệt trong dịp lễ tết nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên số lượng bún sản xuất tăng lên gấp 3 lần so với ngày thường. Để đảm  bảo chất lượng sản phẩm sạch và an toàn đối với người tiêu dùng, anh chị đã đầu tư mua hệ thống máy hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất. Hiện nay, thị trường đầu ra cho sản phẩm của gia đình anh ngày càng phát triển. Sản phẩm của gia đình không những được tiêu thụ tại các huyện của tỉnh mà còn được bán tại các tỉnh khác như Sơn La, Hòa Bình. Đặc biệt, những năm gần đây một số tư thương từ Lào cũng đã tới gia đình anh đặt hàng. Xưởng chế biến bún khô của anh chị luôn hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 120 – 150 triệu đồng mỗi năm.

Theo số liệu thống kê, hiện xã Thanh An có trên 30 cơ sở chuyên sản xuất miến, bún khô. Trong đó, có 5 cơ sở được hộ dân đầu tư mua máy, 25 cơ sở sản xuất miến, bún khô nhỏ được làm thủ công bằng tay tại thôn Hoàng Công Chất. Các cơ sở sản xuất miến, bún khô này đã mamg lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Đây có thể được coi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã. Do vậy, thời gian tới, xã Thanh An cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư làm nghề. Có kế hoạch đào tạo, hướng nghề, đẩy mạnh phát triển các xưởng làm miến, bún khô trong xã. Tạo điều kiện để nhân dân vay vốn phát triển nghề với quy mô lớn hơn. Đồng thời, các hộ sản xuất, kinh doanh bún, miến khô cũng cần chú ý đến việc nâng cao chất lượng và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có như vậy, nghề làm miến, bún khô mới tiếp tục được phát huy và nhân rộng, góp phần vào phát triển kinh tế hộ gia đình./.



Nguyễn Hằng – Ngọc Hải

.