Mường Chà: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của địa phương

Thứ Sáu, 22/02/2013, 18:11 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ huyện Mường Chà đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực đưa các giống mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đây được coi là hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương.

hjh
Mường Chà phát triển cây thảo quả, cây cánh kiến ở các xã: Sá Tổng, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Mường Tùng

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà là xã có diện tích đất tự nhiên rộng, tuy nhiên diện tích đất sản xuất đất nông nghiệp lại không nhiều. Từ thực tế trên, những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Mường Mươn luôn gặp không ít khó khăn. Khắc phục những khó khăn do ít đất sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, xã Mường Mươn đã tập trung vận động nhân dân phát triển trồng rừng và chăn nuôi gia súc. Đây được coi là hướng đi nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Ở xã Mường Mươn, chỉ sau hơn 4 năm trồng cây cao su đã phát triển ngoài sự mong đợi của người dân. Điều này trái ngược hẳn với cách đây gần 10 năm trước, khi mà cán bộ xã phải gõ cửa từng nhà mới có vài hộ gia đình tham gia trồng rừng. Chẳng mấy người dân khi ấy ngờ rằng, rừng lại mang cho họ nhiều nguồn lợi đến thế. Chỉ sau hơn 4 năm trồng cây gây rừng, màu xanh đã phủ kín gần 400ha diện tích rừng của xã. Phát triển kinh tế rừng thực sự hứa hẹn mở ra hướng đi giúp người dân Mường Mươn từng bước xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Ông Lò Văn Bình – Bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn cho biết: Không riêng gì cán bộ xã mà nhân dân các dân tộc ở Mường Mươn đều xác định rõ, có làm tốt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng, kết hợp với chăn nuôi thì đời sống của nhân dân mới vươn lên được. Từ suy nghĩ này, lãnh đạo địa phương đã vận động nhân dân phối hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Song song với phát triển trồng rừng, những năm gần đây, tận dụng lợi thế về đồng cỏ xã Mường Mươn cũng đã chú trọng vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Cách đây 6 năm, gia đình ông Lò Văn Sơn là một trong số những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất nhì ở bản Púng Dắt 1 xã Mường Mươn. Thông qua tín chấp của các đoàn thể xã, gia đình ông Sơn đã được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, chủ động phòng chống dịch bệnh, đến nay gia đình ông Sơn đã có một đàn gia súc với 8 con cả trâu và bò. Chăn nuôi gia súc không chỉ giúp gia đình ông Sơn thoát nghèo mà còn có điều kiện lo cho con, cháu ăn học.

Mường Chà là huyện có diện tích đất tự nhiên rộng với trên 176 nghìn ha, tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp lại rất ít chỉ trên 7.500ha. Sự phân bố các loại đất đai bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống phân tán… ảnh hưởng rất lớn tới việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Để tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, những năm qua, huyện Mường Chà đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đưa nền kinh tế của huyện phát triển theo hướng đã xác định. Ông Trần Thanh Hải - Bí thư huyện ủy Mường Chà cho biết: Năm 2012, huyện ủy Mường Chà đã xây dựng được 1 Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 – 2015 và cụ thể hóa vào nhiệm vụ của năm. Huyện ủy đã gia chỉ tiêu kế hoạch về diện tích, cũng như năng suất, sản lượng sản xuất lương thực xuống tới các xã trong toàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở cơ sở. Năm qua, diện tích gieo trồng cây lương thực của huyện đã cơ bản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.

hjh
Năm 2012, tổng sản lượng các loại cây lương thực của Mường Chà là trên 18 nghìn tấn

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp đã đề ra, trước mắt huyện Mường Chà đã khảo sát và quy hoạch lại vùng chuyên canh lúa nước, ổn định 2.500 ha lúa nương. Cùng với đó, huyện cũng phát triển cây thảo quả, cây cánh kiến ở các xã: Sá Tổng, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Mường Tùng. Ngoài ra, huyện còn tiếp tục bảo vệ, chăm sóc diện tích cây chè cao sản, cây công nghiệp ngắn ngày; tập trung phát triển cây đậu tương, lạc ở tất cả các xã có điều kiện và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tại xã Sá Tổng, Mường Mươn, thị trấn. Các xã đã ổn định cơ cấu sản xuất hai vụ lúa, một vụ màu, sử dụng những sản phẩm làm ra từ trồng trọt đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi để tận dụng thời gian lao động nông nhàn và tăng giá trị của các sản phẩm hàng hoá làm ra… Từ việc quy hoạch được các vùng sản xuất, chăn nuôi, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã không chỉ tăng về diện tích mà năng suất, chất lượng các loại vật nuôi, cây trồng đã không ngừng tăng lên hàng năm. Đến năm 2012, huyện Mường Chà có tổng sản lượng các loại cây lương thực là trên 18 nghìn tấn, đàn gia súc gia cầm đạt trên 260 nghìn con, trong đó tổng đàn gia súc là trên 60 nghìn con.

Hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ huyện Mường Chà được thể hiện trước tiên ở kết quả lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển kinh tế - xã hội của huyện, được thể hiện ở các tiêu chí: Lãnh đạo tốt việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển bền vững, gắn với sản xuất chế biến hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích gieo trồng; khơi dậy và phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của huyện, có biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện Mường Chà vẫn còn những hạn chế nhất định, tiềm năng đất vẫn còn bị lãng phí, nhiều diện tích đất vẫn bị bỏ hoang, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương vẫn chưa tích cực. Đây là những hạn chế, tồn tại mà huyện Mường Chà xác định tập trung quan tâm trong thời gian tới.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thực sự là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đặc biệt là đối với các địa phương có ít diện tích để phát triển sản xuất nông nghiệp, đây sẽ là hướng xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Tuy nhiên để mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là các mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp nói riêng thực sự trở thành một ngành mũi nhọn, tạo ra được các sản phẩm hàng hóa thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và đặc biệt là cấp ủy chính uyền các địa phương./.

Trần Sơn

.