Đồng hành cùng nông dân vùng biên xóa đói, giảm nghèo

Chủ Nhật, 05/08/2012, 17:02 [GMT+7]

Điện Biên TV- Thông qua các hoạt động hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, các cấp hội nông dân Si Pa Phìn đã đồng hành cùng hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới

Sipa
Si Pa Phìn- Vùng đất giàu tiềm năng

Là một xã biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi, trình độ nhận thức của phần lớn hội viên nông dân trên địa bàn còn hạn chế. Hội nông dân xã Si Pa Phìn đã tập trung vận động Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Đồng thời tích cực phối hợp với các phòng chức năng của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các hội viên nông dân trên địa bàn phương thức sản xuất mới gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức các hội thảo chuyên đề tư vấn về thức ăn gia súc, sử dụng phân bón, ký ủy thác vay vốn ngân hàng để đông đảo hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay. Chủ động tìm thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản làm ra... Tạo cơ hội thức đẩy sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Gia đình anh Vũ Mạnh Cường ở bản Tân Hưng là một trong những hộ gia đình đầu tiên chuyển đến khu tái định cư mẫu Nậm Chim  theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Cũng như các hộ gia đình mới chuyển đến, gia đình anh được chia đất, vay vốn sản xuất, tham gia nhiều lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi do hội nông dân xã tổ chức...Gia đình anh và các gia đình mới chuyển đến tiếp cận, làm quen dần với phương thức canh tác, chăn nuôi tại nơi ở mới. Anh Cường cho biết: “Bắt đầu từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn lợn thịt. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn làm đậu, nấu rượu...tạo việc làm, tăng thu nhập” Sau gần 10 năm định cư định cư, gia đình anh Vũ Mạnh Cường đã trở thành một trong những hộ có kinh tế vững ở bản Tân Hưng.

Ở mỗi chi hội, Hội nông dân xã Si Pa Phìn đều phân công những người đứng đầu phụ trách chương trình ủy thác. Nhờ vậy mà đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hoạt động sản xuất, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động, phong trào thi đua hội nông dân ở xã đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, làm tốt chức năng chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân trên địa bàn toàn huyện đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Si pa Phìn Si pa Phìn
Nông dân Si Pa Phìn tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Hội nông dân xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà hiện có gần 1.000 hội viên, sinh hoạt ở 16 chi hội. Bằng những chương trình hạnh động cụ thể, đến nay trên địa bàn xã chỉ còn 40% gia đình hội viên nông dân thuộc diện nghèo, thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã. Ông Vàng Văn Lập - Chủ tịch Hội nông dân xã Si Pa Phìn cho biết: “Đến nay đã có trên 80% hội viên nông dân xã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Tổng dư nợ của hoạt động tín dụng của hội đạt trên 6 tỷ đồng”.

Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, được sự hỗ trợ kịp thời của hội nông dân xã, mỗi hội viên nông dân đều đã xác định được hướng đi riêng cho gia đình của mình, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, sức lao động tại chỗ. Là một xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp ở Si Pa Phìn đã mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân. Từ phương thức làm ăn  nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, đến nay ở Si Pa Phìn đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại vừa và nhỏ do người nông dân làm chủ đạt mức thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngày càng nhiều hơn. Từ sản xuất nông nghiệp, người nông dân Si Pa Phìn không chỉ đảm bảo được nguồn lương thực sử dụng tại chỗ, mà còn dư thừa bán ra thị trường.

Bằng nhiều cách làm khác nhau, đến nay hội viên nông dân các dân tộc ở xã biên giới Si Pa Phìn đã tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tư duy trong nhận thức của người nông dân nơi đây cũng đã thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà Nước phát huy nội lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình./.
 



Bùi Quang
 

.