Đầu tư thiết bị giảng dạy 4.0 - xu hướng tất yếu của trường nghề

Thứ Hai, 11/02/2019, 14:47 [GMT+7]

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, nhiều trường nghề đang có sự tích cực trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nước ta, trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và cuộc sống con người. Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, nhiều trường nghề đang có sự tích cực trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.
 

1
Một giờ thực hành của trường dạy nghề (ảnh: báo Gia Lai)


Hiện nay, thị trường lao động bắt đầu có những thay đổi do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các công việc giản đơn sẽ dần bị thay thế bởi robot, người lao động làm công việc giản đơn sẽ bị mất việc nếu không nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại ngày càng cao.

Chính vì thế, trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm các máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác dạy nghề, tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành, qua đó dễ bắt nhịp với công việc thực tế sau khi ra trường; áp dụng chương trình đào tạo nghề quốc tế mà Việt Nam nhận chuyển giao từ các nước công nghiệp phát triển như Đức và Australia; hướng đến đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều phòng học đã được đầu tư thiết bị hiện đại bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ robot, công nghệ in 3D, máy CNC nâng trục, công nghệ nhà thông minh, kết nối IOT…

Em Nguyễn Thị Bích Thùy, sinh viên năm thứ 2, Khoa Cơ điện tử, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, đây là ngành học sẽ cho em nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường và có thể học liên thông lên đại học nếu em muốn nâng cao trình độ: “Cơ sở vật chất của nhà trường khá tốt, rất sát với doanh nghiệp. Sau này khi chúng em tốt nghiệp hoặc ra thực tập có thể nắm bắt nhanh hơn và dễ dàng làm quen hơn với các thiết bị. Đối với các thiết bị hiện đại bây giờ, em nghĩ nó cũng có một hệ thống logic với nhau cho nên phải học theo quy trình nhất định. Những thiết bị này không quá xa rời thực tế nên chúng em sẽ dễ dàng tiếp cận hơn, nắm bắt nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách chúng em có thể làm quen với thiết bị ở doanh nghiệp”.

Thực tế, nếu không đổi mới sẽ bị tụt hậu, và khi đó các trường dạy nghề sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết, những nỗ lực đổi mới trang thiết bị giảng dạy của các trường nghề hiện nay là dễ hiểu trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn thách thức đối với các trường nghề, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn để đầu tư, đổi mới trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó là bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới; đồng thời điều chỉnh giáo trình đào đạo cho phù hợp với yêu cầu đào tạo trong tình hình mới.

 “Chúng tôi đã kiểm định nhà trường theo tiêu chuẩn của Anh, đó cũng là cái tham chiếu để chúng tôi xác định nhà trường chúng tôi đang ở đâu. Tiếp theo chúng tôi sẽ sử dụng tham chiếu chính là bộ công cụ được chuyển giao từ Đức sang cho trường. Tiếp theo chúng tôi sẽ tham chiếu ở một số trường đào tạo có uy tín trên thế giới. Từ đó chúng tôi chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý. Tất cả các khâu này sẽ được khớp lại, kèm theo đó là sự liên kết với các doanh nghiệp để kết hợp giữa đào tạo với doanh nghiệp, đảm bảo khi sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được toàn bộ yêu cầu cũng như nhu cầu sử dụng ở các doanh nghiệp lớn”- Ông Ngọc nói.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước có năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới. Dân số đông, nguồn lao động dồi dào không còn là lợi thế của quốc gia, thậm chí có thể trở thành gánh nặng, khi mà chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Do vậy, đổi mới công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp  4.0 là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, sẽ không đầu tư cho các trường nghề nếu không đảm bảo được chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.

 “Những trường nằm trong danh sách trường chất lượng cao được đầu tư phải có cam kết mạnh mẽ, từng ngành tuyển sinh được bao nhiêu, ra trường bao nhiêu. Thực tế có những trường làm rất tốt nhưng có những trường với quy mô đào tạo và tuyển sinh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Việc này phải gắn với trách nhiệm của hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng cam kết năm nay tuyển được 500 chỉ tiêu, năm sau lên 700, năm sau nữa lên 1 nghìn thì trường đó sẽ được đầu tư. Còn nếu năm nào cũng là 500 thì hết lúc để kêu rồi và không có chuyện cứ cấp ngân sách, chỉ tiêu đầu tư theo ngành nghề nữa. Từ nay đến 2020, chúng ta sẽ cấp ngân sách chuyển sang cấp kinh phí theo chất lượng sản phẩm và số lượng đầu ra”- Ông Lê Quân nói.

Nhu cầu sinh viên học các chương trình dạy nghề tiên tiến ngày một tăng xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì vậy, việc các trường nghề thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo hoàn chỉnh, có mô đun, học phần về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều tất yếu. Qua đó khẳng định thương hiệu của trường với xã hội, đặc biệt là với thị trường lao động trong và ngoài nước. Để chuẩn bị cho xu hướng ứng dụng công nghệ mới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành danh mục các ngành nghề trọng điểm được ưu tiên đầu tư, trong đó tập trung vào các nhóm ngành đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 như: Công nghệ thông tin, tự động hoá, điện tử và nhiều nghề có nhu cầu nhân lực cao như du lịch, chăm sóc sức khỏe.../.

 

 

Theo Kim Thanh/VOV

.