Bài học đau xót từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

Thứ Hai, 31/12/2018, 08:46 [GMT+7]

 Hậu quả của những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 chính là đã làm mất niềm tin của người dân về kỳ thi được kỳ vọng và hình ảnh nhà giáo...
 
Có thể nói, kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với hàng loạt gian lận về điểm thi ở nhiều địa phương đã lộ ra những lỗ hổng trong công tác coi thi, chấm thi. Những sai phạm trong kỳ thi này đã làm mất niềm tin của người dân về một kỳ thi khách quan, trung thực và về hình ảnh nhà giáo...

Gian lận được ngụy biện rất tinh vi

Theo kết quả chấm thẩm định  ở Hà Giang, có hơn 100 bài thi được nâng từ 1 đến 8 điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
 

1
Biểu đồ về bài thi ở Hà Giang đã bị thay đổi điểm số theo hướng nâng lên (Đồ họa: Lao động)


Kết quả chấm thẩm định bài thi tại Sơn La cho thấy, hành vi nâng điểm được thực hiện từ trực tiếp bài thi của thí sinh nên sự phát hiện khó hơn cho cơ quan điều tra.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.

Còn tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, bước đầu, Bộ GD-ĐT và cơ quan công an xác minh có dấu hiệu can thiệp làm thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi kết quả bài thi của thí sinh.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là một hồi chuông về việc cần xem lại sai phạm, tiêu cực có hệ thống, thậm chí là cả một đường dây sửa điểm, nâng điểm thi. Điều này một lần nữa khiến Bộ GD-ĐT cần phải nghiêm túc nhìn lại công tác coi thi, chấm thi và tập huấn cho cán bộ làm công tác thi...

Sai phạm chấm thi làm mất niềm tin của xã hội

Việc điều tra gian lận thi cử vẫn đang được ngành Giáo dục phối hợp với cơ quan công an tiến hành nhưng dư luận xã hội cảm thấy bị mất niềm tin.

Từ khi biết điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cho đến khi có nghi vấn điểm thi bất thường, nhiều phụ huynh ở Hà Giang cảm thấy lo lắng, thấp thỏm không yên.
 

1
Bộ GD-ĐT họp thông báo về kết quả chấm phúc khảo điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang.


Chị Lê Thu Thảo, phụ huynh có con học ở trường THPT chuyên Hà Giang tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 trăn trở, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc kịp thời và trả lại sự công bằng cho các thí sinh có năng lực, điểm số thực chất thì đất nước sẽ mất nhân tài.

Bộ GD-ĐT cần xử lý nghiêm minh vấn đề này theo quy định của pháp luật để làm gương cho những cán bộ khác cũng như lấy lại niềm tin của nhân dân.

Là người gắn bó lâu năm với ngành giáo dục, TS Toán học Lê Thống Nhất cho biết, sự việc xảy ra ở các tỉnh với những kết luận ban đầu đã công bố là một thất bại nặng nề của một kỳ thi quốc gia và ai cũng thấy đau xót. Niềm tin vào một kỳ thi quan trọng với gần triệu thí sinh, hàng triệu người dân, hàng triệu giáo viên tổn thương và mất mát.

Kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 cũng đang đánh mất niềm tin của nhiều cán bộ các trường đại học.

Đau xót khi nhiều nhà giáo phải tra tay vào còng số 8

Câu chuyện gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang được làm rõ và đã có những đối tượng phải tra tay vào còng do cố tình làm sai quy chế. Đến nay đã có 11 người bị bắt trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia và vụ việc vẫn đang được Bộ GD-ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
 

1
Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Xuân Yến, SN 1971,  Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban chấm thi, Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.


Tuy nhiên, điều xót xa là những nhà giáo đã từng đứng trên bục giảng dạy cho học trò những điều hay lẽ phải lại là những người mắc sai phạm. Việc này đã trở thành cú sốc đối với toàn xã hội và là lời cảnh tỉnh đối với ngành Giáo dục trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Đề cập những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện, nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người.

“Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích” – người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Trước hình ảnh một số lãnh đạo trong ngành Giáo dục tra tay vào còng, TS Toán học Lê Thống Nhất đau đáu: “Lâu nay, người ta vẫn nghĩ tội phạm thường có trong lĩnh vực khác, không phải trong giáo dục. Cho nên những vụ việc gian lận thi cử là cú sốc với cá nhân tôi và các thầy cô, các em học sinh. Tội phạm là những nhà giáo còn đau xót hơn những tội phạm ở những lĩnh vực khác”.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, những nhà giáo sử dụng biện pháp công nghệ cao để gian lận trong thi cử xã hội cần phải lên án và phê phán. Đây là những con sâu mà chúng ta phải loại bỏ để năm sau không còn lặp lại tình trạng gian lận trong thi cử.

“Tôi đã rất sốc khi hàng triệu đôi mắt trong trẻo của các em học sinh phải chứng kiến cảnh thầy cô bị tra tay vào còng số 8 mà trước đó vẫn đứng lớp”, bà Bùi Thị An trăn trở.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Những ai tâm huyết với giáo dục đều có những trăn trở làm sao để ngành Giáo dục chuyển biến mạnh hơn nữa. Hình ảnh mà chúng ta thấy những thầy cô giáo gắn bó cả đời với ngành Giáo dục phải tra tay vào còng do những sai phạm là rất buồn và đau xót”./.

 

 

Theo Bích Lan/VOV.

.