Cần sự sẻ chia với học sinh nghèo thiếu sách vở

Thứ Ba, 18/08/2015, 09:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm 2010 và 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49 và Nghị định số 74 về: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015. Theo đó, hàng năm đối tượng học sinh các bậc học phổ thông là con em các hộ nghèo được miễn học phí và được hỗ trợ kinh phí học tập. Tuy nhiên, bước sang năm học mới này, Nghị định số 49 và Nghị định số 74 của Chính phủ đã hết hiệu lực. Đồng nghĩa với việc học sinh nghèo không còn được hưởng các hỗ trợ như những năm học trước đây.

Như vậy, từ năm học mới này, các gia đình thuộc diện nghèo trên địa bàn toàn tỉnh phải tự mua sắm sách, vở và các đồ dùng học tập khác cho con em mình. Đây có thể nói là một áp lực đối với các hộ nghèo có con em đang đi học. Đặc biệt là đối với các gia đình nghèo ở vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có từ 2 hoặc 3 con đang đi học. Tìm hiểu về vấn đề này tại huyện Tủa Chùa chúng tôi được biết, ngoài thị trấn trung tâm huyện lỵ thì 11/11 xã còn lại đều có số học sinh thuộc diện nghèo chiếm từ 65 đến gần 70% tổng số học sinh các bậc học của mỗi xã; có những đơn vị trường, học sinh thuộc diện nghèo chiếm đa số. Năm học 2015 - 2016, toàn huyện Tủa Chùa có gần 15.800 học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Như vậy, sẽ có ít nhất 10.000 học sinh nghèo không còn được hỗ trợ sách, vở và đồ dùng học tập như trước đây.

Trường Tiểu học Sính Phình số 1 - Đây là trường thuộc xã Sính Phình, một xã nghèo, có gần 100% là đồng bào Mông sinh sống, cách trung tâm thị trấn Tủa Chùa hơn 10km. Trường có 19 lớp học tại 6 điểm trường, với 355 học sinh, trong đó có đến 230 học sinh là con em các hộ nghèo. Mọi điều kiện chuẩn bị cho năm học mới đã được nhà trường phối hợp với chính quyền xã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, khác với các năm học trước, năm nay trường có 230 học sinh nghèo không còn được hỗ trợ sách, vở và đồ dùng học tập. Thực tế các em đã không được cha mẹ sắm sách, vở, giấy, bút khi bước vào năm học mới.

c
Tủa Chùa sẽ có ít nhất 10.000 học sinh nghèo không còn được hỗ trợ sách, vở và đồ dùng học tập như trước đây.

 

Cô giáo Hoàng Thị Duyên, Trường Tiểu học Sính Phình số 1, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa chia sẻ: "Bây giờ mọi đồ dùng học sinh phải tự túc, trường đã huy động các em ra được 3 đến 4 ngày nay rồi nhưng vẫn chưa có em nào có sách vở. Trước đó đã tuyên truyền đến xã, phụ huynh, nhưng các em vẫn không được cha mẹ mua sách, vở... Do vậy, các cô đã đi sưu tầm những quyển sách cũ, nhà trường cũng còn một số và đi xin những trường lân cận có điều kiện hơn, cố gắng để cho mỗi em được gần 1 quyển. Đối với vở viết, thước kẻ, bút... các cô bỏ tiền đi mua trước để phục vụ việc học tập của học sinh mình. Nếu cô không lo thì dạy và học sao đây?"

Cha mẹ nghèo khó nên trò còn nhiều thiếu thốn, thiếu quyển vở hay cây viết, nhưng bao đôi chân vẫn không mỏi, từng đôi dép trèo đèo lội suối mòn vẹt vẫn ngày ngày nâng đỡ các em về phía những mái trường. Nơi đó - các em có bài học đầu đời, có tình yêu thương sẻ chia của các thầy giáo, cô giáo để nuôi dưỡng ước mơ xanh. Trò nghèo, thầy cô giáo vùng cao cũng đâu có khấm khá, cuộc sống còn chật vật lắm khi dựa vào đồng lương tháng ít ỏi, nhưng hơn cả là tấm lòng, là cái tâm và trách nhiệm với con trẻ hiếu học!  

Cô giáo Hoàng Thị Duyên chia sẻ thêm: "Vì trách nhiệm, tình thương nên tôi bỏ tiền mua đồ dùng học tập cho các em. Các giáo viên khác cũng vậy, bỏ tiền lương ra nhưng chưa biết sau này có được phụ huynh trả lại không. Có hay không trả mình vẫn phải có trách nhiệm với học trò."

Để mua sắm đủ một bộ sách giáo khoa, sách tham khảo cùng vở, giấy bút, mực... cho một học sinh tiểu học, hoặc học sinh THCS thì cần từ 600 - đến 800 ngàn đồng. Nếu chỉ sắm một bộ sách giáo khoa cơ bản, cộng với vở viết và các đồ dùng tối thiểu khác thì cũng phải có ít nhất từ 300 đến 400 ngàn đồng. Như vậy, đây sẽ là một khoản chi không nhỏ cho con em các hộ nghèo, đặc biệt là đối với hộ nghèo khi có đến 2, hoặc 3 đứa con đang tuổi ăn học. Bởi thực tế, để cho các cháu đến trường đầu năm thì ngoài sách, vở, phụ huynh còn phải mua cho con đôi dép mới, sắm cho con tấm áo mới.

Để học sinh nghèo ở Tủa Chùa nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung có đủ sách, vở và đồ dùng học tập trong năm học mới này, các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục - Đào tạo cần có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải quan tâm sát sao hơn đối với việc học của con em, nhất là phải chuẩn bị đầy đủ cho các em những điều kiện cần thiết khi năm học mới bắt đầu. Tránh tình trạng và tư tưởng ỷ lại hết vào các thầy cô giáo; trông chờ vào sự chu cấp của Nhà nước. Mọi chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ đều có thời hạn, không thể kéo dài mãi. Bởi vậy, các bậc phụ huynh phải có vai trò, trách nhiệm chính và chủ động chăm lo việc học hành cho chính con em của mình./.

 

Sông Thao - Huy Long
 

.