Cô giáo cắm bản ở Chiềng Sơ

Thứ Ba, 08/10/2013, 10:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ trước đến nay, công tác giáo dục tại các trường vùng sâu, vùng xa luôn là thách thức đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà. Cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp... là những khó khăn thường trực các thầy, cô giáo phải đối mặt. Tuy nhiên, vất vả gian nan hơn cả vẫn là những cô giáo trực tiếp đứng lớp ngày ngày mang cái chữ đến với con em đồng bào dân tộc.
    
Xã Chiềng Sơ nằm cách trung tâm huyện lỵ Điện Biên Đông gần 50 km. Núi rừng, dòng sông Mã hùng vĩ nhưng đời sống đồng bào nơi đây vẫn hết sức khó khăn. Xã có 24 bản, gần 1.000 hộ trên 5.000 nhân khẩu thuộc 6 dân tộc trong đó có những dân tộc thiểu số như Mông, Khơ Mú, Xinh Mun. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 61%. Những năm trước đây, để đến trung tâm xã phải mất từ  3 - 4 tiếng đi xe máy. Vào mùa mưa có những thời điểm xã gần như bị cô lập hoàn toàn vì đường sạt lở, lầy lội. Sự nghiệp giáo dục ở đây vì thế cũng không kém phần gian nan. Năm 2012, tuyến đường Trại Bò - Chiềng Sơ được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, xã Chiềng Sơ như gần lại hơn. Giao thông đi lại thuận tiện cả hai mùa, nhưng những khó khăn của những người gieo chữ nơi thượng nguồn sông Mã này chỉ giảm đi phần nào.
    
Cô giáo Lường Thị Thành, sinh năm 1986, năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng mẫu giáo Trung ương 1 đã lên Chiềng Sơ nhận công tác. Những ngày đầu với một sinh viên mới ra trường kinh nghiệm trong công việc chưa có lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, tưởng như bản thân không thể vượt qua được. Nhưng với nghị lực của bản thân, sự tạo điều kiện giúp đỡ của nhà trường, chính quyền địa phương và chính các phụ huynh, học sinh đã cho cô động lực vươn lên. Đến nay, cô giáo Thành đã gắn bó với Chiềng Sơ được hơn 4 năm. Những tên bản như Nặm Mắn, Nà Ly, Háng Pa, Nà Muông hay Kéo Đứa từ chỗ xa lạ nay đã thật thân thuộc. Và mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng người dân, các em nhỏ và cuộc sống nơi đây cũng để lại trong cô giáo trẻ nhiều kỷ niệm.

b
Cô giáo Lường Thị Thành và các cháu học sinh điểm trường mầm non Kéo Đứa, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.


Trường Mầm non Chiềng Sơ hiện có 14 điểm trường. Năm học 2012 – 2013, nhà trường có 359 cháu từ 1- 5 tuổi. Bước vào năm học 2013 - 2014 này, số lượng các cháu đã tăng lên 435 cháu. Đây là niềm vui, phấn khởi của tập thể nhà trường, vì tỷ lệ học sinh luôn được đảm bảo, nhưng cùng với đó là nỗi lo về cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện chăm lo cho các cháu. Bởi nhà trường hiện nay chỉ có biên chế 30 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Với đặc thù của cấp học mầm non nên 100% cán bộ giáo viên là nữ giới. Việc một mình phụ trách lớp học tại điểm bản tự chăm lo, nấu ăn, dạy các cháu học thực sự rất vất vả đối với các cô. Cô Lê Thị Thương, hiệu trưởng nhà trường quê ở Nghệ An lên công tác tại Trường Mầm non Chiềng Sơ đã được hơn 7 năm và coi đây như quê hương thứ 2 của mình. Thế hệ học trò sau nối tiếp thế hệ học trò trước và những giáo viên lên sau nối tiếp nhiệt huyết, truyền thống của những giáo viên lên trước, dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ, trồng người cao quý.
    
Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Phòng Giáo dục huyện, các trường học trên địa bàn xã Chiềng Sơ được tăng cường, bổ sung nhiều cán bộ, giáo viên mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trên địa bàn. Trong đó, có nhiều cô giáo trẻ mới ra trường có trình độ chuyên môn và nhiệt huyết cống hiến.  Như cô Phạm Thị Thiết, quê ở tỉnh Sơn La, sinh năm 1989, mới lên công tác tại Trường Tiểu học Chiềng Sơ được 2 năm. cô Lý Thị Tỉnh gắn bó với việc dạy học ở đây trên 20 năm. Những thế hệ giáo viên như cô Tỉnh đã chứng kiến thăng trầm của sự học nơi đây. Qua thời gian những lớp học, mái lá tạm bợ dần được thay bằng những lớp học vững chãi và khang trang hơn. Nhiều thế hệ học sinh của Chiềng Sơ đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán của địa phương. Hiện nay, các em học sinh có nhiều điều kiện để học tập hơn trước và thế hệ những giáo viên như cô Tỉnh vẫn miệt mài với những trang giáo án, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về chất lượng giảng dạy.

v
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các cô luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ, trồng người cao quý.

 

Thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ, chia sẻ: Đời sống của giáo viên cắm bản cũng còn lắm gian nan. Vì học trò nơi đây, nhiều thầy, cô giáo đã tự nguyện ở lại bản để dạy các em . Năm học mới 2013 -2014, Trường Tiểu học xã Chiềng sơ có gần 600 học sinh theo học tại 11 điểm trường. Trường hiện có 56 giáo viên, trong đó 19 giáo viên nữ. Với địa hình chia cắt có những điểm bản nằm cách xa trung tâm 14 - 15 km, giao thông đi lại hết sức khó khăn, vào ngày mưa chỉ có cách đi bộ. Trường lớp học còn thiếu thốn, chật chội chưa nói đến nhà công vụ dành cho giáo viên. Chính vì vậy, các thầy cô giáo ở Chiềng Sơ, đặc biệt là các nữ giáo viên gặp nhiều khó khăn từ đi vận động học sinh ra lớp vào đầu năm học, duy trì sĩ số đến ổn định cuộc sống đảm bảo chuyên môn giảng dạy. Nắm được những gian nan thiệt thòi của các thầy cô, ban giám hiệu, công đoàn nhà trường luôn tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thăm hỏi động viên giúp đỡ kịp thời các thầy, cô có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện để các thầy, cô có cơ hội được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ gieo chữ, trồng người được giao phó.
 
Quả thực không thể kể hết những khó khăn của thầy, cô giáo cắm bản. Một năm học với 9 tháng là từng ấy ngày các thầy, các cô gắn bó với trường lớp, với các em học sinh. Dù nắng hay mưa, hễ có học sinh nghỉ học là các thầy, cô lại lặn lội đến tận nhà để thăm hỏi, cùng gia đình chăm sóc để sớm đưa các em trở lại trường. Tâm huyết với nghề, âm thầm gieo chữ nơi thượng nguồn sông Mã, những thầy giáo, cô giáo ở Chiềng Sơ nói riêng và huyện Điện Biên đông nói chung dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng rất tự hào góp phần nâng cao dân trí ở một huyện nghèo.

 

Chu Linh - Duy Hưng

.