Hiệu quả của mô hình trường bán trú tại huyện Tủa Chùa

Thứ Năm, 10/01/2013, 17:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống trường lớp tại các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Số lượng học sinh tăng gấp nhiều lần, chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện.

t
Năm học 2012-2013, Tủa Chùa lập thêm 5 trường PTDT bán trú

Năm học 2012 - 2013, huyện Tủa Chùa có 42 trường học, 592 lớp với trên 12.500 học sinh, tăng 25 lớp 741 học sinh so với năm học 2011 - 2012. Cũng trong năm học này, Tủa Chùa thành lập thêm 5 trường phổ thông dân tộc bán trú nâng tổng số trường bán trú trên địa bàn huyện lên 10 trường. Trong đó có 4 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở với trên 130 lớp, gần 3.300 học sinh. Xuất phát từ đặc thù của tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán đã ảnh hưởng lớn đến việc huy động học sinh đi học và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Rất nhiều em học sinh đã bỏ học hoặc theo học nhưng không chuyên cần, thường xuyên bỏ học, đặc biệt khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhà lại ở quá xa trường học.

Chính vì vậy, khi mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ra đời đã giải quyết được những khó khăn cơ bản cho các em học sinh ở cách xa các điểm trường. Những thuận lợi, hiệu quả của mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú mang lại so với trường bán trú dân nuôi có thể dễ dàng nhận thấy trên nhiều phương diện. Nói về hiệu quả mô hình trường bán trú ông Nguyễn Xuân Bắc - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Mô hình trường bán trú được thực hiện trên toàn huyện Tủa Chùa là 10 trường. Hiệu quả đầu tiên mang lại của mô hình là duy trì số lượng học sinh tại các trường, chất lượng dạy và học được nâng lên, đặc biệt là nhiều cháu học sinh khá giỏi hơn, kỹ năng sống của học sinh tại các trường được nâng lên rất cao.

Chúng tôi tới thăm trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sính Phình - một trong những ngôi trường đầu tiên của huyện Tủa Chùa triển khai mô hình trường bán trú. Nằm trên một khu đất trống, cái rét của mùa đông vùng cao nguyên đá dường như lạnh hơn với thầy và trò nhà trường.

Thầy Lê Mạnh Tưởng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, một người con của vùng quê Thái Bình, gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đây đã trên 10 năm. Thầy Tưởng cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng so với năm trước đây cái khó, cái khổ đã bớt đi rất nhiều. Trước hết, những phòng học rồi nhà học sinh ở nội trú tranh tre, nứa lá đã được thay bằng dãy nhà xây kiên cố. Đội ngũ giáo viên được bổ sung, tăng cường và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Việc tổ chức học 2 buổi trên ngày được triển khai và từng bước đi vào nề nếp. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh, số lượng học sinh, chất lượng giáo dục năm học sau luôn cao hơn năm học trước.

Được sinh hoạt trong nội trú, các em học sinh gặp nhiều thuận lợi trong sinh hoạt lẫn học tập. Số lượng học sinh ở nội trú cũng không ngừng tăng lên, đặc biệt tỷ lệ các em nữ học sinh người dân tộc thiểu số theo học cũng tăng lên. Năm học 2011 – 2012, có hơn 300 học sinh thì có 238 em ở nội trú. Đến năm học 2012 - 2013 này, tổng số học sinh nhà trường tăng lên hơn 360 em và số học sinh ở nội trú cũng đã tăng lên con số trên 300, trong đó số học sinh nữ xấp xỉ 100 em.

t
Trường PTDT bán trú THCS Sính Phình có hơn 300 em ở nội trú

Trường hợp của em Giàng Thị Sáng học sinh lớp 9B trường PTDT bán trú THCS Sính Phình, nhà của Sáng ở Đội 4 xã Sính Phình, cách trường học gần chục cây số. Trước đây, để theo học em phải thức dậy từ rất sớm để cùng các bạn đến trường, chỉ việc học hết bậc tiểu học với em cũng đã là một sự nỗ lực rất lớn. Khi lên học cấp THCS nhà ở xa trường hơn, việc đi lại học hành vất vả hơn. Nhưng từ khi được về ở nội trú mọi vất vả đã giảm đi nhiều, em yên tâm học tập. Em Sáng chia sẻ: Trong 2 năm ở nội trú, sức học của em khá hơn nhiều và em hy vọng học xong lớp 9 em sẽ thi vào được trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện để có cơ hội học cao hơn nữa.

Không riêng gì học sinh trường Trung học phổ thông bán trú THCS Sính Phình mà tất cả học sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Tủa Chùa, đều đang và được tạo những điều kiện tốt nhất phục vụ cho việc học tập. Đặc biệt, đối với các em học sinh tiểu học, việc ở lại trường mang lại nhiều hiệu quả và ý nghĩa thiết thực.

Buổi sáng mù sương trong cái lạnh của miền sơn cước các em học sinh chỉ mới 6 - 7 tuổi đã thức dậy từ rất sớm, tự bảo ban nhau gấp chăn màn và ra bể nước vệ sinh cá nhân. Sau đó, các em tự giác lên lớp truy bài đầu giờ, trước khi giáo viên đứng lớp dạy bài học mới. Quả thực ngoài việc tạo thuận lợi cho các em về điều kiện ăn ở, học tập, việc được ở nội trú còn giúp các em có được những kỹ năng sống quý báu, tính tự lập ngay từ nhỏ trong việc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đến cư xử với thầy cô giáo và các bạn cùng lớp cùng phòng. Đặc biệt, trong môi trường nội trú, các em thường xuyên sử dụng tiếng Việt và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em được nâng lên. Đối với các em học sinh bậc tiểu học việc trau dồi nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt là yếu tố tiên quyết, góp phần giúp các em theo học tốt chương trình giáo dục.

Hiện nay, trường PTDT bán trú tiểu học Tả Sìn Thàng có 8 điểm trường, 28 lớp với 520 học sinh. Mặc dù có điểm trường trải đều khắp 8 thôn, bản nhưng số lượng các em học sinh phải đến học tại điểm trường trung tâm vẫn lên đến 260 em. Phần lớn học sinh nhà trường đều ở xa, địa bàn khó khăn nên trong những năm trước đây, muốn các em đi học chuyên cần, hiệu quả nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho các em ăn ở tại trường. Đến khi trường được hưởng chế độ bán trú, các em học sinh ở được hỗ trợ tiền ăn với mức hơn 400.000 đồng/học sinh/tháng. Gia đình các em đã bớt phần lo lắng về tiền ăn mỗi tháng và bản thân các em cũng không phải trực tiếp nấu ăn nên có nhiều thời gian để học tập. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Đam - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình trường bán trú bên cạnh những kết quả, hiệu quả, nhà trường cũng gặp không ít những khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho các em học sinh.

t t
Hệ thống bếp ăn, nhà ăn, bể nước, nhà vệ sinh của các trường hết sức thiếu thốn, tạm bợ

Khó khăn của thầy trò trường PTDT bán trú tiểu học Tả Sìn Thàng cũng là khó khăn chung của các trường PTDT bán trú trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Hiện nay, trong số 162 phòng học vẫn còn 29 phòng học tạm, 100% các trường chưa có phòng bộ môn, vẫn thiếu phòng công vụ cho giáo viên. Riêng phòng ở nội trú cho học sinh thì việc đảm bảo diện tích, số học sinh trong một phòng vẫn còn là một vấn đề nan giải đối với các trường, vì số học sinh ở nội trú tăng qua từng năm học. Bên cạnh đó, hệ thống bếp ăn, nhà ăn, bể nước, nhà vệ sinh của các trường hết sức thiếu thốn, tạm bợ. Chính vì vậy, không đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các em học sinh sinh hoạt và học tập.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa của mô hình trường bán trú, bên cạnh các chế độ chính sách ưu tiên hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng, trong việc giúp các trường phổ thông dân tộc bán trú cải thiện điều kiện hoạt động. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của mô hình nội trú dân nuôi đối với việc nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt đối với huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Tủa Chùa. Từ đó, tranh thủ được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể có những ưu tiên đặc thù đối với trường bán trú. Đồng thời, huy động tối đa sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, của các bậc phụ huynh giúp các em học sinh cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt nội trú tại trường.

Có thể nói, từ mô hình trường bán trú dân nuôi đến mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú là một sự cải thiện, một bước tiến rõ nét trong giáo dục vùng cao của tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Tủa Chùa nói riêng. Từ việc phụ huynh học sinh phải tự đóng góp tiền của dựng nhà tạm cho con em ăn học tài trường, nay đã được hỗ trợ cả về cơ sở vật chất với trường lớp học kiên cố và tiền ăn hàng ngày. Điều này chứng tỏ, sự quan tâm đầu tư hàng đầu cho giáo dục của Đảng, Nhà nước. Hy vọng, với sự quan tâm đầu tư ấy và sự nỗ lực vượt khó của thầy trò, các trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ ngày càng phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần phục vụ tốt hơn nữa cho sự nghiệp trồng người của huyện vùng cao Tủa Chùa./.

Chu Linh - Trọng Lâm

.