Điện Biên thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực

Thứ Hai, 22/01/2024, 15:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 749, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quyết tâm lan tỏa mạnh mẽ chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xác định những mục tiêu cụ thể. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công; từng bước góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

D
Năm 2023, Điện Biên là một trong 19 tỉnh về đích sớm trước 64 ngày trong việc cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Điện Biên năm qua đó là đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Kết thúc năm 2023, Điện Biên là một trong 19 tỉnh về đích sớm trước 64 ngày trong việc cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện; một trong 29 tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trước thời hạn 89 ngày. Về cơ bản, các đơn vị đã đáp ứng yêu cầu của Đề án về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực trong kết nối, chia sẻ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số quốc gia.

Trung tá Chu Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Để có được kết quả như vậy thì đầu tiên phải có sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo các cấp trong thực hiện Đề án 06 cũng như thu nhận định danh điện tử nói riêng. Ngoài ra, lực lượng công an cũng phải nhờ vào sự giúp đỡ của quần chúng Nhân dân. Người dân có ủng hộ thì lực lượng Công an mới có thể thực hiện được khối lượng lớn việc thu nhận CCCD và định danh điện tử.”

g
Điện Biên đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chuyển đổi số của tỉnh.

Tại các địa phương, những mục tiêu và giải pháp cụ thể trong quá trình chuyển đổi số cũng được xác định. Đối với huyện Điện Biên đó là tập trung đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước xây dựng chính quyền số. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai từ cấp huyện đến 100% các xã trên địa bàn; 100% cơ quan, đơn vị, UBND xã được trang bị chữ ký số; 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4...

Anh Điêu Văn Ninh, Công chức Văn phòng - Thống kê, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: “Trước khi làm thủ tục, người dân sẽ thực hiện nhập dữ liệu hồ sơ trên cổng thông tin. Từ đó, cán bộ sẽ tiếp nhận và xử lý văn bản. Người dân có thể ở nhà và tự nhập dữ liệu cá nhân được, đỡ mất thời gian đi lại, đỡ nhiều giấy tờ cho cán bộ thực hiện.”

 

Bà Lò Thị Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên cho biết: “Về kinh tế số, chúng tôi tạo điều kiện để hợp tác xã, công ty thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch truyền thông và hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Về xã hội số, dịch vụ viễn thông phát triển khá nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên, mạng lưới viễn thông, internet tiếp tục phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa.”

F
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công đạt hơn 70%.

Thực hiện theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Điện Biên đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chuyển đổi số của tỉnh; các hệ thống thông tin dùng chung được xây dựng đáp ứng đầy đủ chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, tiếp tục đẩy mạnh sử dụng, giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành chỉ đạo của các cơ quan đơn vị. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công đạt hơn 70%. Kinh tế số có bước phát triển rất nhanh chóng, dự ước năm 2023 đóng góp 9,5% GRDP của tỉnh.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh đã tập trung triển khai phê duyệt danh mục mã nguồn mở và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống quản lý hồ sơ công việc kết nối với cổng dịch vụ công; về kinh tế số cũng được tích cực triển khai. Đến nay, có 86% doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký, triển khai ứng dụng nền tảng công nghệ số.”

Những kết quả đó góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng đến nền hành chính hiện đại, thông minh. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng nền hành chính hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm 2023, tỉnh thu hút 16 dự án đầu tư về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu dân cư đô thị với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng. Thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thúc đẩy thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số; chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân, nhằm từng bước hình thành “công dân điện tử” để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.               

 

 

Phương Dung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.