Mít tinh kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thứ Tư, 18/11/2020, 07:17 [GMT+7]

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, để ghi nhận công lao đóng góp của Mật trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước sẽ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sáng 18/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020). Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và có bài diễn văn khai mạc.

Cùng dự lễ kỷ niệm còn có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An…; đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh...

1
Trưng bày chuyên đề "90 năm - Ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc" là một trong nhiều hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (Ảnh: Võ Nam)

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, để ghi nhận công lao đóng góp của Mật trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước sẽ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, Đảng đã sáng lập các hình thức tổ chức Mặt trận khác nhau: Hội Phản đế đồng minh, Phản đế liên minh, Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế… nhằm đoàn kết toàn dân tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng.

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, được coi là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, đã đoàn kết toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày 2/9/1945, Mặt trận Việt Minh sát cánh cùng với Đảng, Chính phủ phát động nhân dân diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, chống giặc ngoại xâm, chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngày 29/5/1946, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, được thành lập, sau thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, thành lập ngày 3/3/1951) đã đoàn kết toàn dân làm nên Chiến thắng Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau Hiệp định Geneva, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (được thành lập ngày 10/9/1955) ở miền Bắc đã động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam; Trong khi đó ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (được thành lập ngày 20/12/1960) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam (được thành lập ngày 20/4/1968) đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước, tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức, các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"./.

Link: https://vov.vn/chinh-tri/mit-tinh-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-mat-tran-to-quoc-viet-nam-818135.vov

 

 

Theo Thanh Hà/VOV.VN
 

.