Kiểm soát quyền lực bằng luật pháp đang gặp khó

Thứ Sáu, 05/05/2017, 16:18 [GMT+7]

PGS.TS Hồ Tấn Sáng: những vụ việc vừa qua cho thấy, thể chế, cơ chế vận hành quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước ta đang có vấn đề.
 
Liên tiếp trong thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về nhiều vụ việc sai phạm, xử lý cả cán bộ lãnh đạo đương chức lẫn về hưu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng ra lệnh truy bắt những người vi phạm bỏ trốn ra nước ngoài, cho thấy quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng là không có vùng cấm. Song, điều dư luận mong mỏi hơn cả là Đảng rút ra được bài học gì trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện sai phạm tránh vụ việc xảy ra quá lâu, gây hậu quả nghiêm trọng mới được phát hiện?
 

1
PGS.TS Hồ Tấn Sáng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV


PGS.TS Hồ Tấn Sáng – giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3, cho rằng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đáp ứng mong đợi của cán bộ, đảng viên, quần chúng và nhân dân; cho thấy nỗ lực hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Đảng, của các tổ chức, của các cá nhân có trọng trách trong một cuộc chiến có thể gọi là “tự chiến thắng mình”. Đó cũng là chỉ báo để các tầng lớp nhân dân thấy rằng những người có trọng trách trong Đảng đang từng bước thể hiện phương châm “nói đi đôi với làm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong cuộc chiến này, chỉ những người thực sự trong sạch mới có đủ dũng khí để làm đến cùng.

Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Tấn Sáng cho rằng, tiếp theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các tổ chức Đảng và chính quyền cần tiếp tục làm 2 việc: Xem xét thiệt hại mà họ gây ra đến mức độ nào để xử lý về mặt hành chính Nhà nước, buộc họ đền bù về mặt vật chất những thiệt hại họ gây ra; Xem xét thẩm định lại tiêu chuẩn, điều kiện cho việc bổ nhiệm họ vào các chức vụ hiện tại để hoặc là bãi nhiệm hoặc ít nhất cũng hạ cấp họ.

Đáng nói, những người được nêu tên trong kết luận cuả Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 14, đều là những người đứng đầu đơn vị, có sai phạm nghiêm trọng và kéo dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng không bị phát hiện, xử lý kịp thời.

Theo ông Hồ Tấn Sáng, ở một phương diện nào đó, những vụ việc này đã cho thấy, thể chế, cơ chế vận hành quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước ta đang có vấn đề. Bởi lẽ, chất lượng của hệ thống xã hội phụ thuộc rất lớn vào 2 yếu tố: tính hợp lý và tường minh của thể chế; tài và kỹ năng của chủ thể hành động. Hai yếu tố này có quan hệ tương đối độc lập, nhưng có mối quan hệ rất hữu cơ với nhau.

Cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ hay phương châm phê bình và tự phê bình trong Đảng muốn phát huy tác dụng phải có điều kiện, đó là tâm và tầm của chủ thể hành động, nhất là người đứng đầu hệ thống đó.

Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát nội bộ của các tổ chức Đảng, cơ sở trên thực tế chưa phát huy tác dụng, nên mới bị rơi vào trạng thái mang tính hình thức. Thậm chí ở những nơi xảy ra sai phạm, nhiều cán bộ, đảng viên không dám nói ra hay đấu tranh. Họ e ngại khi bị phụ thuộc nên có xu hướng nịnh cho “xuôi chèo mát mái”, tính đấu tranh cũng theo đó bị triệt tiêu. Trong nhiều trường hợp, im lặng được xem là cách tốt nhất đề tồn tại.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng nhấn mạnh, nguyên lý của kiểm soát quyền lực là bằng chính quyền lực. Do vậy, để kiểm soát quyền lực, cần có một thiết chế quyền lực khác, ít nhất cũng phải độc lập tương đối và dựa vào pháp luật để tiến hành kiểm soát, xem xét, khuyến cáo.

Đặc biệt, khi khuyến cáo không được, thiết chế này sẽ có đủ thẩm quyền để bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc cách chức. Có như vậy người ta mới sợ. Còn như tình trạng hiện nay, người đứng đầu giữ quyền sinh quyền sát vì không ai kiểm soát được quyền lực của họ.

Sai phạm thì phải bị xử lý bất kể đó là ai nhưng điều quan trọng hơn cả là kiểm soát và ngăn chặn kịp thời những cá nhân, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, việc đúc rút thành kinh nghiệm để cụ thể hóa thành chính sách kiểm soát quyền lực bằng luật pháp đang gặp khó.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng cho rằng, có 3 việc phải làm hiện nay: Thứ nhất, hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là nhánh tư pháp.

Thứ hai, hoàn thiện và phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát xã hội của các tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức chính trị xã hội thuộc hệ thống Mặt trận, ngoài ra là các tổ chức đại diện nhóm lợi ích. Khi nào những tổ chức này có tiếng nói nhất định, có thẩm quyền nhất định trong phản biện và giám sát xã hội, khi đó mới có thể đưa vấn đề kiểm soát quyền lực vào thực tế.

Thứ ba, xác lập cơ chế để mỗi công dân có quyền tham gia thực sự vào các quyết định có liên quan của hệ thống các cơ quan đại diện quyền lực xã hội và các quyết sách về quốc kế dân sinh./.

 

Theo VOV

.