Điện Biên: Nhiều ý kiến, thảo thuận tham gia vào dự thảo trong phiên thường ký tháng 4 UBND tỉnh

Thứ Ba, 25/04/2017, 19:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tại phiên họp thường kỳ ngày 25/4 của UBND tỉnh Điện Biên nhiều ý kiến, thảo luận về 6 nội dung quan trọng như Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên; quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày, tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên....

 

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp

 

Trong phiên làm việc hôm nay lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày dự thảo Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai  trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phạm vi điều chỉnh sẽ quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai trên địa bàn tỉnh để tính phí bảo vệ môi trường đối với trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng tuyển, phân loại, chế biến, làm giàu trước khi bán ra thị trường. Nguyên tắc quy đổi số lượng khoáng sản nguyên khai (tấn, m3) bằng số lượng khoáng sản nguyên khai (tấn, m3) nhân với tỷ lệ quy đổi.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 nhóm khoáng sản phải thực hiện tỷ lệ quy đổi: Khoáng sản kim loại; khoáng sản làm vật liệu xây dựng; khoáng sản thiên nhiên và đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên. Những khoáng sản chưa được điều tra, đánh giá và đầu tư khai thác, sẽ quy định tỷ lệ quy đổi cụ thể sau khi có kết quả điều tra, đánh giá.

Tham gia ý kiến hoàn thiện về dự thảo Quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai trên địa bàn tỉnh cơ bản các sở, ngành, huyện thị, xã, thành phố đồng tình với dự thảo Sở Tài nguyên và Môi trường trình tại phiên họp, tuy nhiên một số đại biểu băn khoăn: Về một số hạng mục tỷ lệ quy đổi như: đá hộc, nước...; danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng... Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đề nghị đơn vị soạn thảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiếp thu các ý kiến của đại biểu để chỉnh sửa phù hợp tình hình thực tế của địa phương; đổi tên Quyết định "Quy định tỷ lệ đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai  để tính phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh"...

 

Đồng chí Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tham gia ý kiến
Đồng chí Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tham gia ý kiến về dự thảo Quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày được áp dụng với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ

 

Đối với dự thảo Quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày được áp dụng với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ; Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách.

Khoảng cách xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày là nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở và từ 10 km trở lên  đối với học sinh trung học phổ thông. Đối với địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao, vùng sạt lở đất, đá) mà có nhà ở xa trường từ 4,0 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở và từ 7,0 km trở lên đối với học sinh trung học phổ thông. Trường hợp đặc biệt khác do UBND cấp huyện xem xét và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) trước khi quyết định đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở; UBND tỉnh xem xét quyết định đối với học sinh trung học phổ thông.

Về nội dung này, trước lúc trình tại phiên họp UBND tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý của 18 đơn vị, tuy nhiên tại phiên họp một số đại biểu cho rằng:  Vấn đề khoảng cách giữa 3 đối tượng Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất chưa hợp lý, vì nếu đánh đồng giữa học sinh tiểu học và học sinh THCS 4km sẽ không phù hợp đối với đối tượng tiểu học. Vì vậy đại biểu đề nghị đối với tiểu học giảm xuống 2,5km;  với địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao, vùng sạt lở đất, đá mà có nhà xa trường từ 7,0 km trở lên đối với học sinh trung học phổ thông nên giảm xuống 4km...

 

Đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia ý kiến về các nội dung dự thảo
Đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia ý kiến về các nội dung dự thảo

 

Tiếp đến lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án có mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, phục dựng để gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường, đấu tranh giành độc lập dân tộc cho thế hệ trẻ; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, tạo sức hút phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phát triển. Với không gian là toàn bộ không gian cảnh quan, các vết tích vật chất, các công trình bảo tồn tôn tạo, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch gắn với 45 điểm di tích liên quan đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...Đối với Đề án này, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đề nghị cơ quan thường trực (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với một số đơn vị liên quan chuẩn bị lại nội đề án để có tính thuyết phục, phù hợp tính thực tiễn với các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và sẽ trình UBND tỉnh xem xét tại phiên họp tới.


Phiên họp diễn ra từ ngày 25 - 26/4./.   

Tử Long

.