25 năm thành lập thành phố Điện Biên Phủ

Dấu ấn, niềm tin, sức vươn Thành phố trẻ.

Thứ Bảy, 18/03/2017, 10:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mùa xuân này, Thành phố Điện Biên Phủ tuổi 25, một chặng đường dài Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các  dân tộc phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu. Đó chính là: Dấu ấn, niềm tin,  sức vươn Thành phố trẻ, trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển...

 ” Ôn cố tri tân”
Ngược dòng thời gian, không khó để hình dung về một Thị xã  xưa kia nhỏ bé được thành lập ngày 18/4/1992, với vài ba tuyến phố, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nghèo nàn. Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, ngày 26/9/2003 Chính phủ ra Nghị định số 110 - NĐ/CP về việc thành lập Thành phố Điện Biên Phủ trực thuộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).

Trưởng thành cùng với thời gian, như "chàng trai" Thành phố mỗi ngày thêm cường tráng. Bởi những bước đi chiến lược, cùng những cơ chế chính sách hợp lòng dân, tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực.

1
Một góc TP. Điện Biên Phủ

 

Những "Dấu ấn” – niềm tin .

Vượt lên những khó khăn vốn có và những tác động ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế. Từ tiềm năng lợi thế Thành phố với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, giao thông thuận lợi, có cụm di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thành ủy, HĐND, UBNDTP xác định mũi nhọn và chọn khâu đột phá để phát triển kinh tế của Thành phố là: Thương mại - dịch vụ - du lịch và hình thành cơ cấu kinh tế vùng. Đồng thời tạo cơ chế thông thoáng để thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng. “Dấu ấn" thành tựu nổi bật đó là: Thu nhập bình quân hơn 3.700 USD/người/ năm. Điểm nhấn là thương mại - dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển cả về quy mô, chất lượng và loại hình. Các cơ sở sản xuất, loại hình kinh doanh tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động trong cơ chế thị trường luôn là bài toán khó trong tình hình hiện nay. Vậy mà trên 6.000 hộ kinh doanh, gần 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 20 hợp tác xã đã thu hút giải quyết việc làm cho gần 23.000 lao động. Với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, hoạt động du lịch trên địa bàn có chuyển biến tích cực trong quản lý, giới thiệu và quảng bá. Lấy sự hài lòng của khách tham quan để đánh giá chất lượng công việc. Hàng năm có trên 300 ngàn khách trong và ngoài nước về với Điện Biên Phủ  lịch sử, anh hùng và mến khách, doanh thu trên 370 tỷ đồng. Vì vậy thu ngân sách trên địa bàn Thành phố trên 250 tỷ, chiếm 1/4 mức thu của toàn tỉnh hàng năm.

Cùng với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và tiểu thủ công nghiệp, Thành phố đòn sức xây dựng nông thôn mới ở 2 xã: Thanh Minh, Tà Lèng. Trên cơ sở 19 tiêu chí, tập trung xóa đói giảm nghèo, đầu tư hệ thống thủy lợi, triển khai các chương trình dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. Gắn kết văn hóa, du lịch với phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy  sản. Chăm sóc rừng, phát triển mô hình vườn rừng, vườn cây ăn quả... Cùng với quyết tâm chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo, đặc biệt là phát huy sức mạnh nội lực của Nhân dân trong quá trình chung sức vận động xây dựng nông thôn mới.

Từ bài học thành công xây dựng nông thôn mới ở Thanh Minh, Thành phố phấn đấu để Tà Lèng về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017. Với tất cả tinh thần khiêm tốn có thể nói rằng: Tinh thần kiên trì, vượt khó, khởi sắc ở Thanh Minh và Tà Lèng, ngày càng khẳng định niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc trên đường chiến thắng đói nghèo, vươn tới no ấm, yên vui và phát triển bền vững.

Là đô thị của Tỉnh, vì vậy việc quản lý và phát triển đô thị để từng bước đi vào nền nếp, khang trang sạch đẹp là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của cấp ủy chính quyền các phường thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Thành phố: Mường Thanh, Tân Thanh, Thanh Bình, Him Lam, Nam Thanh... Coi trọng phát huy nội lực, nhưng đồng thời Thành phố tranh thủ thời cơ, mời gọi sự đầu tư từ bên ngoài, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", dân hiến đất và ngày công lao động. Những năm qua Thành phố đã xây dựng mới và mở rộng hàng trăm km đường, chỉnh trang hàng vạn m2 vỉa hè, kè bờ sông Nậm Rốm, đường điện chiếu sáng, ống nước sạch, rãnh thoát nước...

Điểm nổi bật là thực hiện " Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La", Thành phố tập trung  công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, giải tỏa, giải phóng mặt bằng tại các khu vực công trình trọng điểm Noong Bua. Từ một vùng đất sình lầy, ngổn ngang ao hồ được nạo vét, san lấp tạo mặt bằng để tiếp nhận và tái định cư tại chỗ đảm bảo nơi ở cho gần 1.500 hộ.

Với tư duy, tầm nhìn chiến lược, đặt Thành phố trong sự vận động và phát triển trong tương lai. Vì vậy một mặt vừa chỉnh trang đô thị hiện tại, đồng thời vừa khẩn trương mở rộng và phát triển Thành phố cho những thập kỷ tới. Thành ủy, HĐND, UBND đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch Thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch chi tiết khu đa chức năng trục đường 60 m... Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình nhằm hướng tới đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp...

1
Hoạt động VH - NT hướng tới  kỷ niệm 25 năm thành  lập TP. Điện Biên Phủ

 

Xây dựng văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội.

Làm theo lời Bác dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại do cán bộ tốt hay kém". Đảng bộ, chính quyền  chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới. Thành phố hiện có gần 85% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên; gần 60% có trình độ trung, cao cấp về lý luận chính trị. Cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức, trong chiến lược "Trồng người" cho mai sau, Thành ủy, UBND tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng.

Giữ vững kết quả phổ cập đúng độ tuổi, phổ cập THCS và  THPT. Để luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu trong công tác giáo dục, đào tạo của Tỉnh Điện Biên. Những kết quả nổi bật làm vui lòng người: Trên 72% trường công lập đạt trường chuẩn Quốc gia; 100% trạm y tế xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế và có bác sỹ.

Nhận thức văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng "vào cuộc" xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Hàng năm trên 95% cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; 90% tổ dân phố, bản đạt chuẩn văn hóa. Hết thảy các xã, phường có nhà văn hóa, có đội văn nghệ.

Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được khơi dậy, trao chuyền hướng tới "chân, thiện, mỹ " trong từng con người. Điểm thành công nổi bật trong những năm qua phải nhắc tới đó là "cuộc chiến" xóa đói giảm nghèo đã chiến thắng, hiện Thành phố không còn hộ đói, hộ nghèo giảm  còn dưới 0,9%.

Chặng đường mới- Sức vươn Thành phố trẻ  

Phải khẳng định rằng: Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc phấn đấu đạt được 25 năm ( 18/4/1992 -18/4/2014) là cơ bản và toàn diện.  Trên hành trình đi tới, hẳn trong mỗi chúng ta còn trăn trở, hay chính là những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi sự bứt phá, đồng sức, đồng lòng nỗ lực trong chỉ đạo và thực hiện đó là: Phấn đấu Thành phố  trở thành Đô thị loại 2 vào năm 2020; giảm tai, tệ nạn xã hội; tăng cường hơn nữa trong quản lý đô thị, đất đai và môi trường; Hoàn thành các công trình trọng điểm theo kế hoạch mà Tỉnh đã phê duyêt; xây dựng xã Tà Lèng đạt chuẩn Nông thôn mới…     

Chặng đường mới hội nhập, để trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển của vùng Tây Bắc đang đón đợi sức vươn Thành phố trẻ Điện Biên Phủ trong tương lai./.

 

 

Đỗ Quang Khải.

.