UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9/2016

Thứ Ba, 20/09/2016, 16:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Căn cứ qui chế làm việc và chương trình công tác, sáng 19/9, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ nhằm lấy ý kiến của các thành viên ủy ban và các sở, ban ngành vào các nội dung "Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và Chương trình phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo Đề án về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 nêu rõ: Trong giai đoạn 2012 - 2015, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có những cải thiện tích cực song chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và còn thấp hơn so với mặt bằng chung. Cơ cấu nguồn nhân lực vẫn chuyển dịch chậm hơn so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó đã dẫn tới sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động nông nghiệp với các ngành nghề khác ngày càng xa.

c
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

 

Theo đó, mục tiêu trong đề án nêu ra phấn đấu đến năm 2020 (lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 58,7%; công nghiệp - xây dựng 15,6%; dịch vụ 25,7%. Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 7.800 - 8.200 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 58,6%. Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện: Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.

Đề án xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của người lao động; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô giáo dục đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh...

Đối với đề án về phát triển du lịch, mục đích đề ra là cần đổi mới tư duy phát triển du lịch; phấn đấu đến năm 2025 du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch có chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên; tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 để làm định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Điện Biên đón 870.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 220.000 lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón 1.600.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 350.000 lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, trong đó có trên 10.000 lao động trực tiếp. Xây dựng Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tạo điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Tham gia hoàn thiện Đề án, các đại biểu tập trung vào một số nội dung đó là: Điều chỉnh một số mục tiêu trong giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đề án cần nêu cụ thể về mục tiêu và các giải pháp phát triển thể lực; đưa ra các giải pháp hiệu quả kiềm chế, giảm thiểu tệ nạn xã hội; chính sách thu hút nhân tài thông qua công tác hỗ trợ đào tạo nhân lực trong tỉnh, hỗ trợ vật chất đối với nhân lực trình độ cao ngoài tỉnh; xác định rõ vai trò, vị trí việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục – đào tạo; xác định dự toán cụ thể cho Đề án…

Tham gia vào Đề án phát triển du lịch, các đại biểu đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (đơn vị soạn thảo chương trình) cần tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát huy bản sắc dân tộc trong phát triển du lịch; đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch truyền thống địa phương, chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng, mở rộng điểm du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch...

Sau khi nghe các ý kiến tham gia về xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực; Chương trình phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến hoàn thành Đề án trong thời gian sớm nhất./.

 

Văn Phú - Văn Hùng
 

.